Một số vấn đề về quyền tự do ngôn luận

Posted on
  • Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Đinh Hồng Phúc
    Bài viết này lược thuật một số nội dung về quyền tự do ngôn luận được triết gia Nigel Warburton, hiện là Giảng viên cao cấp của Phân khoa Triết học trường Open  University, bàn luận trong cuốn sách Free Speech: A Very Short Introduction (New York: Oxford University Press, 2009, tr. 1-21) của ông. Trong cuốn sách này, Nigel Warburton nêu thành nguyên tắc luận điểm rằng tự do ngôn luận là hạt nhân của nền dân chủ, là một quyền căn bản của con người, và việc bảo vệ nó là dấu hiệu của một xã hội văn minh và khoan dung; và trên nguyên tắc đó, ông cung cấp một cái nhìn tổng quan có phê phán đối với các luận điểm chính về tự do ngôn luận, giá trị và những hạn chế của nó. Phần nội dung của bài viết này nằm trong chương 1 của cuốn sách. Tên bài viết và các tiểu mục là do chúng tôi đặt.
    1. NHỮNG PHƯƠNG DIỆN CỦA QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN
    Quyền tự do ngôn luận thuộc về giá trị đặc thù của một xã hội dân chủ. Trong nền dân chủ, các cử tri đều quan tâm đến việc lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau và tranh luận với những ý kiến đó, đồng thời quan tâm đến việc nắm bắt các sự kiện và các lối lý giải, cũng như các quan niệm đối lập ngay cả khi họ tin rằng các quan niệm được thể hiện ra ấy có tính chất công kích về phương diện chính trị, đạo đức hay cá nhân. Những ý kiến này không phải lúc nào cũng có thể được truyền thông trực tiếp qua báo chí, truyền thanh và truyền hình, mà chúng còn thường được trình bày trong các loại hình nghệ thuật: tiểu thuyết, thi ca, điện ảnh, biếm họa, và ca từ. Chúng cũng có thể được thể hiện một cách tượng trưng bằng những hành vi như đốt một lá cờ, hay như nhiều người Mỹ phản đối Chiến tranh xâm lược Việt Nam đã làm là đốt thẻ quân dịch. Các thành viên của một nền dân chủ cũng quan tâm đến việc đại đa số các công dân phải là người chủ động tham gia tích cực vào sự bàn luận chính trị chứ không phải là người tiếp nhận thụ động chính sách từ trên ban xuống.
    Một số người, như triết gia Ronald Dworkin (1931-), đi xa hơn khi cho rằng một chính quyền không cho phép mở rộng quyền tự do ngôn luận ắt là chính quyền không chính đáng và không đáng gọi là chính quyền dân chủ. Theo quan niệm này, nền dân chủ không chỉ đơn thuần là sự đảm bảo cho các cuộc bầu cử và nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, mà nó còn phải lấy việc bảo hộ quyền tự do ngôn luận rộng rãi như là điều kiện tiên quyết để nền dân chủ ấy xứng danh là dân chủ. Nhưng thực tế không hoàn toàn đơn giản như vậy. Có những trường hợp, việc bày tỏ quan điểm có thể gây ra những hậu quả khôn lường nếu người ta không cân nhắc đến những nhân tố khác, có thể quan trọng hơn cả sự tự do ngôn luận, như nền an ninh quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng chẳng hạn. Tự do ngôn luận có cái giá của nó.
    Quyền tự do ngôn luận thường không phải là một vấn đề có liên quan đến các hoạt động riêng tư, mà liên quan đến các hoạt động truyền thông đại chúng như: công bố một quyển sách, một bài thơ, một bài báo, hay một bức ảnh, phát sóng một chương trình phát thanh hay truyền hình, sáng tác và triển lãm một tác phẩm nghệ thuật, đọc một bài diễn văn trong một cuộc mít-tinh chính trị, hay có thể là đăng tải một lời công kích trên nhật ký web (weblog) hay thu âm vào một hệ thống podcast. Quyền tự do ngôn luận đặc biệt quan trọng đối với người cầm bút vì bản chất hoạt động của họ là truyền thông các ý niệm trong công chúng. Hơn ba mươi năm qua, tạp chíIndex on Censorship không khó khăn lắm trong việc tìm bài cho đủ trang bằng những ví dụ về các cây bút bị tước quyền truyền thông cơ bản này. Các nhà tù trên thế giới là nơi ở của nhiều người cầm bút khi họ đã vượt quá những giới hạn mà nhà cầm quyền cho phép trong việc truyền thông, và nhiều nhà văn vĩ đại nhất trong lịch sử từng bị giam cầm, tra tấn, hay thậm chí bị sát hại vì đã thể hiện công khai tư tưởng của mình.
    Thuật ngữ “quyền tự do ngôn luận” có điểm hay là gắn với ý niệm về việc cá nhân truyền thông bằng một trong những cách trực tiếp nhất và riêng tư nhất mà bất cứ ai cũng có sẵn là tiếng nói. Theo cách nào đó, “quyền tự do thể hiện quan điểm” (free expression) là thuật ngữ diễn tả chính xác hơn, nhưng nó cũng hàm ý rằng cái được thể hiện phần nào có tính chủ quan; trong khi đó, trong nhiều trường hợp kiểm duyệt đầy tranh cãi đối với những người cầm bút và những người hoạt động trong các lĩnh vực khác, các sự kiện mà họ cố gắng truyền thông rộng rãi cho công chúng không hề là chủ quan. Chẳng hạn, một nhà văn Trung Quốc trong khi cung cấp các chi tiết về số lượng chính xác những sinh viên bị chết trong vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989, thì không phải ông ta đang “thể hiện” một ý niệm mà là đang truyền thông các sự kiện. Nếu chính quyền Trung Quốc ngăn không cho ông ta nói thì các sự kiện vẫn còn.
    Có một phương diện mà mọi người ít khi chú ý đến trong vấn đề quyền tự do ngôn luận là trong một bầu không khí không cho phép người ta thể hiện công khai quan điểm của mình, thì những quan điểm bị cấm đoán ấy cũng khó lòng bị chôn chặt trong bụng, nhất là đối với các nhà tư tưởng vốn là những người có năng lực khai triển các ý niệm của họ qua việc tương tác với người khác, hay các văn sĩ tài năng xuất chúng vốn là những người có năng lực viết ra một tác phẩm dày cộp bằng trí nhớ. Ở đâu có sự ngăn cấm của nhà nước không cho thể hiện những loại tư tưởng nào đó, thì việc tiếp xúc với tài liệu cần cho việc thể hiện các tư tưởng này một cách thuyết phục cũng bị từ chối. Cách ly một mình là biện pháp kiểm duyệt hết sức hiệu quả và thường được sử dụng chống lại các nhà văn và các nhà tư tưởng bất đồng ý kiến. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy, dù nhà nước có đem cảnh tù đày hay cái chết ra đe dọa thì nhiều người vẫn không sờn lòng, họ vẫn đủ dũng cảm để nói lên tiếng nói của mình dù hậu quả có thế nào đi nữa.
    2. THẾ NÀO LÀ “TỰ DO” TRONG VẤN ĐỀ NGÔN LUẬN?
    Triết gia Isaiah Berlin (1909-1997) phân biệt hai khái niệm về sự tự do: tự do tiêu cực và tự do tích cực. Tự do tiêu cực là tự do không có sự cưỡng chế, nghĩa là người ta có thể làm bất cứ điều gì miễn là không bị cấm cản; trái lại, tự do tích cực là tự do con người ta thực sự làm được điều mình muốn làm. Theo hai thuật ngữ này của Berlin, con người ta hẳn là tự do theo nghĩa tiêu cực, chứ không phải theo nghĩa tích cực. Lịch sử của quyền tự do ngôn luận là lịch sử của những sự nỗ lực ngăn chặn con người truyền thông các quan điểm của mình bằng chế độ kiểm duyệt, hệ thống nhà tù, những đạo luật khắt khe, những lối đe dọa dùng bạo lực, đốt sách, ngăn chặn công cụ tìm kiếm trên mạng hay trường hợp cực đoan nhất là hành hình. Nhưng một số triết gia Marxist, như Herbert Marcuse (1898-1979) chẳng hạn, lại lưu ý rằng nếu không có chế độ kiểm duyệt thì sẽ chẳng có gì bảo đảm bảo việc thực thi nền tự do, dù bằng phương cách hay ho nào. Trong một xã hội mà toàn bộ dân chúng bị nhồi sọ và bị thao túng bởi những người kiểm soát các phương tiện truyền thông, thì quyền tự do ngôn luận chỉ phục vụ cho lợi ích của giới có quyền lực.
    Tuy nhiên, tự do không có nghĩa là sự tùy tiện. Quyền tự do ngôn luận toàn diện ắt sẽ bật đèn xanh cho sự tự do vu khống, tự do lừa mị và chỉ dẫn sai lạc trong quảng cáo, tự do xuất bản các tài liệu tình dục liên quan đến trẻ em, tự do tiết lộ các bí mật quốc gia, v.v.. Nhà triết học Alexander Meiklejohn (1872-1964) cho rằng thứ tự do ngôn luận đáng mong muốn là tự do thể hiện quan điểm của mình đúng lúc đúng chỗ, chứ không phải tự do thích nói sao thì nói. Quyền tự do thể hiện quan điểm luôn có những giới hạn của nó: không phải quan điểm nào cũng có thể được thể hiện một cách tự do.
    John Stuart Mill (1806-1873) lưu ý đến cái ranh giới mà tại đó việc nói hay viết là một hành vi kích động sự bạo lực. Ông ta cũng nói rõ rằng các luận cứ của ông ta cho vấn đề tự do chỉ áp dụng cho “những người đã trưởng thành về năng lực”. Chế độ gia trưởng, theo nghĩa cưỡng chế ai đó vì lợi ích của chính họ, thích hợp đối với trẻ em và đối với “các trạng thái lạc hậu của xã hội trong đó bản thân chủng tộc có thể được coi là chưa trưởng thành”; nhưng nó lại không thích hợp đối với các thành viên trưởng thành của một xã hội văn minh, loại người này chắc hẳn được tự do quyết định lấy cuộc sống của mình.
    Thẩm phán Oliver Wendell Holmes (1841-1935) có nêu một nhận xét đáng chú ý rằng quyền tự do ngôn luận không bao gồm việc tự do hô hoán “Cháy!” trong một rạp hát đông người. Điều ông muốn nói ở đây là những người biện hộ cho tự do ngôn luận cần phải vạch ra một giới hạn nào đó. Hàm nghĩa của từ “tự do” có sức mạnh biểu cảm khiến người ta có thể không ý thức được giới hạn. Nếu cho phép ai đó có quyền hô hoán “cháy” trong một rạp hát đông người có thể gây ra cảnh hoảng loạn giẫm đạp gây thương tích hay thậm chí gây chết người, và cái trò chơi khăm này cũng có thể khiến cho các khán giả trở nên thờ ơ với tiếng hô “cháy” thực sự.
    Như vậy, cả Mill lẫn Holmes đều nhận thấy tự do ngôn luận cần có những giới hạn và những sự cân nhắc khác đôi khi thủ tiêu bất cứ tiền giả định nào về quyền hạn tuyệt đối của tự do ngôn luận. Ngoài những sự cân nhắc đặc biệt ở thời chiến, hầu hết các hệ thống pháp luật vốn dành rộng chỗ cho quyền tự do ngôn luận vẫn chế ước sự tự do thể hiện quan điểm khi nó có tính chất phỉ báng hay vu khống, khi nó dẫn đến việc tiết lộ bí mật của nhà nước, khi nó gây nguy hại cho một phiên tòa xét xử công minh, khi nó liên quan đến một vụ xâm phạm nghiêm trọng đến đời tư của ai đó mà không có lý do chính đáng, khi nó dẫn đến việc vi phạm bản quyền, và cả trong những trường hợp quảng cáo sai sự thật. Ở nhiều nước, các loại văn hóa phẩm khiêu dâm bị hạn chế xuất bản hay tiêu thụ một cách khắc khe. Đây chỉ là một vài sự chế ước về ngôn luận và những kiểu thể hiện quan điểm phổ biến ở các quốc gia tán thành một thứ nguyên tắc tự do ngôn luận nào đó và các công dân ở các quốc gia ấy nghĩ là mình tự do.
    3. CÁC LUẬN CỨ BẢO VỆ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN
    Có hai loại luận cứ được dùng để bảo vệ quyền tự do ngôn luận: luận cứ công cụ và luận cứ luân lý. Các luận cứ công cụ dựa vào yêu sách rằng việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận mang lại những loại lợi ích hữu hình nào đó như hạnh phúc cá nhân nhiều hơn, xã hội phồn thịnh, hay thậm chí mang lại những lợi ích kinh tế. Chẳng hạn, Alexander Meiklejohn (1872-1964) lập luận rằng giá trị chủ yếu của quyền tự do ngôn luận là ở chỗ nó cổ xúy cho các kiểu thảo luận cần có để nền dân chủ có thể vận hành một cách có hiệu quả. Để nêu ra những phán đoán đúng đắn, các công dân phải cọ xát với hàng loạt các ý kiến; tự do ngôn luận cho phép các công dân được biết nhiều quan niệm khác nhau mà người ta hết lòng tin tưởng. Điều này rất quan trọng, bởi lẽ những người kịch liệt phản đối hiếm khi hình dung mình ở trong lập trường mà những người họ chống đối hết sức tin theo. Tốt hơn hết là lắng nghe các quan điểm bất đồng từ những người bất đồng ý kiến thực sự chứ không phải từ những người đang hình dung ra những gì mà người bất đồng ý kiến có thể nói.
    Những luận cứ này viện dẫn đến những hậu quả, và với tư cách ấy, câu trả lời cho câu hỏi liệu quyền tự do ngôn luận có mang lại ích lợi cụ thể cho xã hội hay cá nhân không là một câu trả lời dựa theo kinh nghiệm: có một câu trả lời đúng, dù chúng ta biết hay không biết nội dung của câu trả lời ấy, và về nguyên tắc, ta có thể tìm ra câu trả lời ấy bằng công việc điều tra nghiên cứu những hậu quả trên thực tế và những hậu quả có thể xảy ra. Mặt bất lợi của lối tiếp cận này là ở chỗ nếu những hậu quả có ích của quyền tự do ngôn luận có thể được chứng minh là không hề xảy ra trên thực tế, thì lối biện minh cho việc bảo vệ quyền này ắt sẽ không còn chỗ đứng.
    Các luận cứ luân lý biện hộ cho quyền tự do ngôn luận thường đi từ quan niệm về con người cá nhân (person) là gì đến ý niệm rằng việc cắt xén nội dung lời nói của người khác là vi phạm đến tính tự trị hay phẩm giá của họ. Ngăn cấm người khác nói ra quan điểm của họ (hay lắng nghe quan điểm của người khác) là điều hoàn toàn sai lầm, vì như thế sẽ là không tôn trọng người khác với tư cách là cá nhân có khả năng tư duy và quyết định bản thân mình. Các luận cứ này dựa trên ý niệm về giá trị nội tại của quyền tự do ngôn luận và sự nối kết giá trị này với khái niệm về sự tự trị của con người chứ không phải dựa trên bất cứ những hậu quả có thể đo lường nào vốn có thể do việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận gây ra.
    4. QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN NGÀY NAY QUA HAI TRƯỜNG HỢP: NHỮNG VẦN THƠ CỦA QUỶ SATANVÀ BỨC BIẾM HỌA ĐAN MẠCH
    Mối quan hệ mật thiết của các cuộc bàn thảo về quyền tự do ngôn luận với cuộc sống đương đại là hiển nhiên. Kể từ khi phát minh ra sách, những người nắm giữ quyền hành trong xã hội đã đốt sách bằng các hành vi phá hủy mang tính tượng trưng. “Vụ hỏa thiêu những thứ phiếm huyễn” (tiếng Ý: Falò delle vanità) nổi tiếng của linh mục Girolamo Savonarola (1452-1498) tại Florence năm 1497 đã tiếp nối một truyền thống lâu dài. Ý nghĩa thiết yếu của ngọn lửa đó là thiêu hủy các đồ vật, gồm các cuốn sách trái với thuần phong mỹ tục có thể cám dỗ các chủ nhân của nó vào tội lỗi. Các biến thể của chủ đề này vẫn còn tồn tại dai dẳng tới ngày nay.
    Chúng ta đang sống trong một thời đại mà việc đốt và kiểm duyệt sách ngày càng tăng và một số hành vi thể hiện quan điểm có thể dẫn đến những sự phản ứng có tính quốc tế với hàng triệu người phản đối. Lúc nào cũng có những lời kêu gọi kiểm soát sách báo khiêu dâm, kiềm chế phát ngôn đầy thù oán và đặt giới hạn cho sự phủ nhận tội diệt chủng người Do Thái (Holocaust denial). Ở một số nước, sự kiểm duyệt trên diện rộng của nhà nước là bình thường và việc cố gắng thể hiện bất cứ quan điểm nào ngoài quan điểm chính thống đều gặp phải những mối nguy hiểm thực sự. Tuy nhiên, những biểu hiện dễ thấy nhất của tình trạng bất khoan dung với quan điểm của người khác và những lời kêu gọi cần có sự kiểm duyệt ầm ĩ nhất trong những năm gần đây lại là từ những người cảm thấy tôn giáo của mình bị phỉ báng theo cách nào đó. Các vụ việc xoay quanh cuốn tiểu thuyết The Satanic Verse (Các vần thơ của quỷ Satan, 1988) của Salman Rushdie và các bức biếm họa Muhamad trên báo Jyllands-Posten của Đan Mạch là những trường hợp điển hình.
    Ngay từ lúc mới xuất bản, cuốn tiểu thuyết The Satanic Verse đã gây nên một làn sóng chống đối kịch liệt. Ở Ấn Độ và Nam Phi, nó được liệt vào danh mục sách cấm. Cuốn sách này có vài đoạn mà nhiều tín đồ Hồi giáo coi là đã sỉ nhục sâu sắc đến tôn giáo của họ. Vào tháng Một năm 1989, người Islam giáo ở Bradford đã đốt các bản in cuốn sách này theo lối phản đối tượng trưng trong một cuộc mít-tinh. Nhiều người trong số họ nghĩ rằng cuốn tiểu thuyết của Rushdie đã cố tình bôi nhọ tôn giáo và nhà tiên tri của họ. Họ tiến hành những cuộc mít-tinh rầm rộ để chống đối cuốn sách. Năm 1989, vị thủ lĩnh tối cao Islam giáo công bố một fatwa (sắc dụ) chống lại Rushdie, về cơn bản là xách động việc sát hại ông. Các nhà xuất bản, nhà sách, và dịch giả đã có những hành động dũng cảm bất chấp những sự đe dọa bạo lực được phê chuẩn bởi quyền lực tôn giáo. Dịch giả người Nhật của cuốn sách bị sát hại. Rushdie phải sống ẩn náu trong sự bảo vệ của cảnh sát. Tuy nhiên, ở Anh và những nước khác, cuốn tiểu thuyết này vẫn được in ra và có mặt tại các hiệu sách mà chẳng bị hề hấn gì.
    Trường hợp thứ hai là sự kiện tờ Jyllands-Posten đăng 12 bức biếm họa về Muhammad vào năm 2005 lại tiếp tục làm bùng lên những làn sóng phản đối mạnh mẽ. Một trong những bức vẽ gây tranh cãi nhất đã vẽ Muhammad đội một quả bom trong cái khăn đội đầu. Bài xã luận trong tờ báo nhấn mạnh rằng việc để các nhóm tôn giáo đòi hỏi sự chiếu cố đặc biệt đến các tình cảm tôn giáo của riêng họ là không thích hợp với nền dân chủ đương đại. Nhiều người, cụ thể là các tín đồ Islam giáo, coi những bức biếm họa này là những bức biếm họa đầy tính chất nhục mạ, báng bổ và cố ý khiêu khích. Các bức biếm họa này được nhiều tờ báo ở các nước Âu châu đăng lại, cho dù các nhà biên tập báo ở Anh quyết định không in chúng. Những cuộc phản đối trên toàn thế giới dẫn đến cảnh bạo lực: các tòa đại sứ quán Đan Mạch bị đốt và số người chết có thể lên đến cả trăm. Một số vị lãnh đạo Islam giáo thậm chí còn phát đi lời đe dọa đòi giết các nhà vẽ tranh biếm họa. Còn ở London, một cuộc biểu tình về các bức biếm họa diễn ra ở bên ngoài tòa Đại sứ quán Đan Mạch vào ngày 3 tháng Hai năm 2006, tại đó những người biểu tình gương các biểu ngữ chống chủ nghĩa tự do, chống quyền tự do ngôn luận và hô hào các khẩu hiệu chống người Đan Mạch và người Mỹ, đã dẫn đến những vụ bắt bớ và buộc tội kích động giết người và thù hằn sắc tộc.
    Có một số khía cạnh của vấn đề quyền tự do ngôn luận trong cuộc tranh cãi này ta cần lưu ý. Động cơ ban đầu của việc đăng các bức biếm họa là để khẳng định quyền tự do ngôn luận và nhấn mạnh rằng trong một nền dân chủ hiện đại việc để cho các nhóm cá biệt có được sự bảo vệ đặc biệt khỏi phê phán là không phù hợp. Sự phản ứng chống lại các bức biếm họa nổi lên ở một số nơi như là một sự công kích chủ nghĩa tự do và giá trị của tự do ngôn luận. Khi những người phản đối bị truy tố, một số nhà bình luận cho rằng việc truy tố hành vi kích động giết người và thù hằn sắc tộc là hành động xén bớt quyền tự do ngôn luận và hiểu sai bản chất của các quan niệm được thể hiện: chúng không phải là những hành vi kích động đặc biệt mà chỉ là những hành vi thể hiện sự tổn thương chung chung. Bên dưới vụ việc này, người ta cảm thấy có một sự tự kiểm duyệt đang lan rộng ở những người chỉ trích đạo Islam do sợ bị trả đũa.
    Tình trạng bất khoan dung ở đạo Islam đối với các tư tưởng bị coi là báng bổ tôn giáo không hề bị chế ước, thế nhưng chính mức độ ác liệt của việc phản đối chống lại The Satanic Verses và các bức biếm họa của người Đan Mạch đã đưa các câu hỏi về quyền tự do ngôn luận vào tiêu điểm nhạy cảm. Một vấn đề cấp bách về quyền tự do ngôn luận trong thời đại chúng ta là câu hỏi một xã hội dân chủ có nên chú ý đến những lời kêu gọi kiểm soát các hành vi thể hiện quan điểm có thể bị coi là xúc phạm đến các tín đồ tôn giáo hay không. Đây là câu hỏi rất khó trả lời, và theo Nigel Warburton, chúng ta cần khai thác lại di sản của John Stuart Mill, đặc biệt là công trình Bàn về Tự do (1859) của ông, mới có thể tìm ra câu trả lời cho vấn đề nan giải ấy.
    Nguồn: triethoc.edu.vn
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org