Một số câu hỏi về tác phẩm Khảo luận thứ hai về chính quyền

Posted on
  • Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Minh dịch
    1.   Xã hội chính trị khác với trạng thái tự nhiên như thế nào?
    Trong trạng thái tự nhiên, mọi người có quyền trừng phạt những kẻ vi phạm luật tự nhiên. Điều này là vì những kẻ vi phạm là mối đe dọa đối với sự bảo toàn của con người và cần phải trừng phạt để làm gương. Mọi người có quyền đòi bồi thường từ những người đã gây thiệt hại cho mình. Không có một chính quyền được đồng thuận giữa họ, và không có luật pháp cụ thể để bảo vệ tài sản của họ. Trong khi đó, trong xã hội chính trị, mọi người đồng thuận từ bỏ sự tự do tự nhiên để cho sinh mạng, sự tự do, và tài sản của mình được bảo vệ bởi chính quyền. Họ chấp nhận thẩm quyền của cơ quan hành pháp và lập pháp, và đồng ý tuân theo luật do các cơ quan này đặt ra. Họ không còn có quyền trừng phạt những kẻ vi phạm luật, vì điều này là công việc của chính quyền.
    2.   Các khuyết điểm của các nền quân chủ chuyên chế là gì?
    Một ông vua chuyên chế có xu hướng cai trị theo cách tùy tiện, đồng bóng. Ông ta không tự giới hạn mình theo luật pháp; nếu ông ta lấy đi cuộc sống hay tài sản của người dân, thì không có quyền uy nào có thể phán quyết ông ta. Thông thường các ông vua chuyên chế tìm cách gây ảnh hưởng đến cơ quan lập pháp bằng cách hối lộ hoặc đe dọa các nhà lập pháp, hoặc can thiệp vào các phiên họp của cơ quan lập pháp. Ông ta cũng thi hành đặc quyền hành động theo cách thức không phù hợp với mục đích ban đầu mà công quốc quy định. Các ông vua chuyên chế không có thiện cảm hay tình yêu đối với dân chúng và chỉ thấy họ như là công cụ phục vụ cho lợi ích của mình. Cuối cùng, ông ta luôn vi phạm các luật tự nhiên và tự đặt mình vào trạng thái chiến tranh với nhân dân bởi vì ông ta không trung thành với khế ước được thiết lập giữa mình và người dân.
    3.   Tại sao quyền lực gia trưởng không trở thành nền tảng cho quyền lực chính trị?
    Một số nhà lý thuyết chính trị thế kỉ 17 tin rằng quyền lực gia trưởng hợp pháp hóa quyền lực chính trị, nhưng Locke không đồng ý với điều này. Quyền lực gia trưởng bị giới hạn. Nó chỉ áp dụng cho đứa trẻ khi chúng chưa trưởng thành; cha mẹ nuôi dưỡng và giáo dục cho đến khi chúng trưởng thành và có khả năng sử dụng ý chí tự do của chúng, nhưng sau đó quyền lực này kết thúc. Khi đưa trẻ trưởng thành cuộc sống và tài sản của nó là của riêng nó, không phải là của cha mẹ. Trong khi đứa trẻ có nghĩa vụ tôn vinh và kính trọng cha mẹ, thì một khi chúng lớn khôn, chúng được tự do quyết định đối với các tài sản của chúng và gia nhập bất cứ xã hội chính trị nào mà chúng lựa chọn. Quyền gia trưởng bắt nguồn từ tự nhiên. Quyền lực chính trị không bắt nguồn từ tự nhiên mà bắt nguồn từ sự đồng thuận của các cá nhân, những người rời bỏ trạng thái tự nhiên để tuân theo sự cai trị của một quyền lực chung. Con người có thể hài lòng với một chính quyền được hình thành theo mô hình gia đình (tức là chính quyền chuyên chế) bởi vì đó là tất cả những gì họ biết. Tuy nhiên, mô hình chính quyền này không phù hợp với xã hội chính trị và thường được so sánh sai lầm với gia đình, khi mà sự kiểm soát của cha mẹ đối với con cái luôn có những giới hạn.
    4.   Sự khác nhau giữa quyền lập pháp, hành pháp và liên hiệp là gì, và chúng đan cài vào nhau như thế nào?
    Quyền lập pháp liên quan đến việc làm luật để quản lý xã hội; đó là quyền lực quan trọng nhất của chính quyền. Quyền lập pháp là vĩnh viễn và thẩm quyền của nó bắt nguồn từ sự đồng thuận của người dân. Nó không được phép tùy tiện, các luật mà nó tạo ra phải vĩnh cửu và được mọi người dân trong công quốc hiểu rõ. Tất cả luật lệ tồn tại vì mục đích duy nhất là lợi ích cộng đồng. Locke tin rằng quyền lập pháp và hành pháp phải tách rời. Quyền hành pháp có chức năng củng cố luật pháp mà quyền lập pháp đã ban hành. Về bản chất, nó linh hoạt hơn quyền lập pháp rất nhiều và nó phải có thể nhanh chóng giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến công quốc mà luật pháp chưa tính đến. Quyền lực này được biết đến như đặc quyền hành động; cơ quan hành pháp không luôn luôn tuân theo luật và đôi khi có thể lờ đi hoặc phá vỡ luật nếu hoàn cảnh đòi hỏi phải hành động nhanh và dũng cảm vì lợi ích của cộng đồng. Cơ quan lập pháp không cần phải luôn luôn hội họp, nhưng cơ quan hành pháp phải liên tục hiện diện. Về bản chất, quyền liên hiệp tuân theo luật quốc tế. Đó là quyền lực được sử dụng để hướng dẫn các quan hệ với các công quốc khác. Quyền liên hiệp này thường được cho là nằm trong tay cơ quan hành pháp.
    5.     Đặc quyền hành động của cơ quan hành pháp có ưu điểm và nhược điểm gì?
    Đặc quyền hành động là khả năng của cơ quan hành pháp được tự do hành động vì lợi ích chung, ngay cả trong các trường hợp luật pháp không quy định hoặc trong các trường hợp phải lờ đi hoặc phải vi phạm pháp luật. Cơ quan hành pháp được ban cho quyền này bởi vì cơ quan lập pháp không luôn luôn hiện diện, và luôn hành động chậm chạp, hay luật pháp có thể không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, và một số luật có thể có hại cho người dân. Người dân trao cho cơ quan hành pháp quyền này và quy định không được sử dụng nó cho mục đích nào khác hơn là bảo vệ người dân. Cơ quan hành pháp có thể thực hành một đặc quyền hành động với sự tự do rất lớn mà không khiến người dân cảm thấy phiền hà bởi vì anh ta sử dụng khôn ngoan quyền lực nhằm mang lại lợi ích chung. Tuy nhiên, cơ quan hành pháp có thể lợi dụng quyền lực này và sử dụng nó theo cách mà nhân dân không đồng tình. Tức là sử dụng quyền lực này vì lợi ích của riêng nó, và do vậy trở thành quyền lực chuyên chế.
    6.   Điều gì cho phép người dân có quyền nổi loạn chống lại chính quyền?
    Một xã hội chính trị chỉ có thể tồn tại với sự đồng thuận của người dân. Khế ước xã hội là một thỏa thuận giữa người dân và chính quyền của họ trong đó họ ủy nhiệm quyền làm luật và củng cố luật cho chính quyền. Họ hình thành nên chính quyền với sự thỏa thuận là quyền sở hữu của họ (bao gồm sinh mạng, sự tự do, và tài sản) phải được bảo vệ. Khi chính quyền bắt đầu đe dọa quyền sử hữu của người dân và  không có một thẩm quyền nào khác ngoài Thượng đế có thể cầu viện đến, thì người dân có thể giải tán chính quyền và sửa chữa các sai lầm của nó hoặc tạo ra một chính quyền mới. Họ không giải tán chính quyền vì những lý do không quan trọng; chỉ sau một loạt hành động áp bức chống lại họ mới là cơ sở cho sự nổi loạn của họ. Ví dụ về những hành động áp bức này bao gồm việc thay đổi cơ quan lập pháp, trao người dân cho một chính quyền khác, hay từ chối củng cố luật…
    7.   Tại sao việc phát minh ra tiền lại thay đổi cách sở hữu?
    Trước khi có tiền, thứ duy nhất mang lại cho tài sản giá trị là sức lao động. Sức lao động của con người trên mảng đất biến mảnh đất đó từ một thứ vô giá trị thành một thứ có thể cung cấp nguồn sống cho họ và gia đình họ. Nhưng nhu cầu mở mang thêm đất hơn nữa là không cần thiết vì hoa trái thu được từ đó có thể bị hư hỏng trước khi sử dụng tới. Sự tích trữ sẽ gây lãng phí và vi phạm luật tự nhiên bởi vì lúc đó thực phẩm không được sử dụng vì mục đích bảo tồn con người. Vì vậy đất đai không thể khai phá vì nếu như vậy sẽ gây lãng phí, dẫn đến không có mục đích cho việc chiếm hữu nó. Tuy nhiên, khi con người bắt đầu coi bạc, vàng và các kim loại quý như là tiền, thì họ có thể mua thêm đất và tích trữ bằng những tiền tệ như vậy mà không làm nó bị hư hỏng. Ý tưởng về sở hữu tư nhân trở nên mở rộng, sự chênh lệch giàu nghèo xuất hiện, và con người đi đến quyết định rằng họ cần chính quyền để bảo vệ những gì họ sở hữu. Do đó, sự phát minh ra tiền đồng nghĩa với sự gia tăng về sở hữu và nhu cầu cho một chính quyền.
    8.   Các đặc điểm của trạng thái chiến tranh là gì?
    Trạng thái chiến tranh xảy ra khi một người sử dụng vũ lực chống lại người khác. Trong trạng thái tự nhiên khi tất cả mọi người sống bình đẳng và lý tính ra lệnh rằng họ phải tôn trọng sinh mạng, sự tự do, và tài sản của người khác, trạng thái chiến tranh giữa con người là một thứ nguy hiểm. Tất cả mọi người trong cộng đồng có quyền trừng phạt kẻ gây hấn để bảo vệ cộng đồng và lấy kẻ vi phạm làm gương. Những người bị hại có quyền đòi bồi thường từ người đã sử dụng vũ lực chống lại anh ta. Vì không có một chính quyền để đặt ra luật và củng cố luật, nên trạng thái chiến tranh chỉ kết thúc ki kẻ gây hấn bị giết hoặc sự bồi thường được thực hiện. Trong xã hội chính trị, trạng thái chiến tranh tồn tại theo kiểu tương tự, tức khi một người sử dụng vũ lực chống lại người khác. Tuy nhiên, bây giờ chính quyền có trách nhiệm giúp đỡ bên bị hại và trừng phạt kẻ vi phạm pháp luật. Bất cứ khi nào không có một quyền lực như vậy, hay luật pháp bị làm cho suy đồi, hay chính quyền sử dụng quyền lực tùy tiện, thì trạng thái chiến tranh xuất hiện. Các nền quân chủ chuyên chế có thể dễ dáng thấy họ trong trạng thái chiến tranh với người dân khi họ không hành động để bảo vệ lợi ích chung mà hành động theo ý chí của riêng họ.
    9.   Quan điểm của Locke về bản chất con người là bi quan hay lạc quan?
    Dường như Locke có một quan điểm lạc quan về bản chất con người. Trong trạng thái tự nhiên mà ông miêu tả, con người sống với đạo đức truyền thống của Kito giáo. Họ tôn trọng sinh mạng, sự tự do, và tài sản của người khác và luôn cố gắng bảo vệ mọi người. Cha mẹ yêu thương con cái và nuôi dưỡng chúng cho đến khi chúng trưởng thành. Trong xã hội chính trị, rõ ràng mọi người luôn ôn hòa và tôn trọng nhau, và chỉ đi đến sự bạo động dân sự khi có quá nhiều làm dụng khiêu khích họ. Dường như Locke quy trách nhiêm đó cho chính quyền chuyên chế hơn là cho dân chúng (khác với Hobbes). Trạng thái tự nhiên có thể nhanh chóng trở thành trạng thái chiến tranh, và chính quyền hình thành bởi khế ước như đề nghị bởi Locke sẽ không còn cần thiết nếu tất cả mọi người là thiên thần.
    10.  Locke có quan điểm như thế nào về chế độ nô lệ?

    Không ai có quyền tuyệt đối và tùy tiện đối với người khác. Mọi người đồng thuận với một sự cai trị, nhưng không đồng thuận để bị nô lệ. Điều giải thích tại sao các nền quân chủ chuyên chế vi phạm luật tự nhiên: vì họ không có quyền đối với mạng sống của con người. Sự nô lệ duy nhất được phép là khi một người giao phó mạng sống của mình cho người khác bởi vì anh ta đã dùng vũ lực chống lại người đó. Trong trạng thái tự nhiên, điều này sảy ra khi một người phạm tội bị buộc làm nô lệ cho người mà anh ta đã gây hại. Nếu một lúc nào đó giữa họ có một khế ước và đàm phán về các điều khoản, thì tình trạng nộ lệ kết thúc. Một người chinh phạt chiến thắng một công quốc khác cũng có thể nô lệ những người đã vũ trang chống lại ông ta. Do đó, tình trạng nô lệ do vi phạm luật tự nhiên là dạng nô lệ duy nhất mà Locke chấp nhận trong Khảo luận thứ hai; bất cứ dạng quyền lực chuyên chế khác thực thi trên sinh mạng của một người đơn thuần chỉ là một trạng thái chiến tranh. 
    Nguồn:http://www.gradesaver.com/second-treatise-of-government/study-guide/essay-questions
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org