MICHEL FOUCAULT

Posted on
  • Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • TIẾU SỬ
    MICHEL FOUCAULT (1926 - 1984), triết gia Pháp. Ông ra đời tại Poitiers và học tại École Normale Supérieure, nơi ông tốt nghiệp với cả hai bằng cử nhân triết học và tâm lý học. Sau khi giữ những vai trò học thuật và văn hóa ở Pháp, Thụy Điển, Ba Lan và Đức trong thập niên 1950, ông trình bày luận án tiến sĩ văn chương với đề tài Điên loạn và văn minh năm 1961. Tiếp theo, sau thời gian giảng dạy ở các trường đại học Clemond-Ferrand và Vincennes ở Pháp và thỉnh giảng ở Tunisia, ông được chọn vào trường Collège de France năm 1969. Năm 1971, ông góp phần xây dựng một tổ chức để theo dõi và cải thiện điều kiện lao tù ở Pháp, đây là mối quan tâm chính yếu trong các hoạt động của ông với tư cách một trí thức của công chúng cho đến khi ông qua đời vì một căn bệnh liên quan đến AIDS năm 1984.

    NHỮNG GIAI ĐOẠN TƯ TƯỞNG
    Hoạt dộng tư tưởng của Foucault có thể chia ra nhiều giai đoạn. Dưới ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài của Nietzsche, trước tiên ông dùng phương thức nghiên cứu mang tính phê phán, lịch sử - “phả hệ'' - một phương thức mà theo gương các sử gia khoa học có khuynh hướng triết lý như người thầy thông thái của ông, Georges Canguilhem, ông áp dụng vào sự triển khai ''các khoa học về con người''. Do vậy, công trình nghiên cứu năm 1961 của ông là công trình nghiên cứu về lịch sử của sự điên loạn và của những hoàn cảnh mà người bệnh tâm thần bắt đầu bị giam giữ, đồng thời là công trình nghiên cứu về các nguồn gốc của tâm thần học hiện đại trong việc định ranh giới giữa lý trí và ngoại lý. Và tác phẩm tiếp theo - Sự ra đời của dưỡng đường (1963) - buộc sự phát triển của y học lâm sàng phải chịu cùng một kiểu phân tích bản chất - hiện tượng. Về sau, trong tác phẩm Trật tự của vạn vật (1966), một khảo cứu về những chuyển hóa trong các khoa học cổ điển về ngôn ngữ, sự sung túc, và các sinh thể từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, và trong Khảo cổ học về tri thức (1969), một công trình suy tư mở rộng về phương pháp, Foucault trình bày tỉ mỉ kích thước cấu trúc trong lối tiếp cận của ông. Khảo cổ học điều tra “những cấu tạo rời rạc'', những quy luật và những cái lặp đi lặp lại của chúng, những tương quan giành được giữa diễn ngôn và những thực hành, những thiết chế không rời rạc, cùng những biến đổi mà những cấu tạo như vậy đang trải qua.
    Trong các tác phẩm xuất bản vào thập niên 1970, cụ thể là trong Kỷ luật và xử phạt (1975) và Lịch sử phái tính, quyển I: Dẫn nhập (1976), ông mở rộng kích thước phả hệ của cách tiếp cận của ông với lịch sử xã hội phê phán của ''ý chí tìm sự thật”. Trong các tác phẩm này, cũng như trong bài tiểu luận, bài giảng và bài trả lời phỏng vấn lúc đó, Foucault nhấn mạnh đến quan hệ nội tại giữa tri thức và quyền lực và đặc biệt là sự phát triển của các khoa học con người gắn bó chặt chẽ với sự phát triển và triển khai của các hình thức thực hành, các thiết chế và các kỹ thuật kiểm soát và ''quy phạm hóa'' nhân loại. Phả hệ học thẩm tra ''những nguồn gốc tầm thường” của những ý tưởng trung tâm của các khoa học – nhân loại, lý trí, tính quy phạm, sự phạm tội, phái tính và cái tương tự - trong những hoàn cảnh ngẫu nhiên và khám phá những hàm ngụ chức năng của chúng trong các tương quan quyền lực. Nó hướng sự chú ý của chúng ta đến những luật lệ và quy định có tính cấu thành những thực hành tri thức luận trong các lĩnh vực này, đến những tương quan cấp bậc tôn ti mà những luật lệ và quy định này mã hóa, đến những phương cách chúng bao hàm và loại trừ, phê chuẩn và vô hiệu hóa, sa thải và trao quyền lực. Nó cũng thẩm xét những tương quan của những diễn ngôn lý thuyết như thế với phương thức thực hành, trong đó chúng được áp dụng bởi các quan tòa, nhà cầm quyền, người làm công tác xã hội, nhà trị liệu, bác sĩ và những người khác, đồng thời với những thực hành tổ chức mà chúng đan xen trong các toà án, lao tù, dưỡng đường, bệnh viện, trường học, quan lại, v.v… Tóm lại, điều mà khoa phả hệ tìm cách chứng minh là ''khoa chính trị” của trí thức về thế giới con người không chỉ bắt đầu với sản phẩm của ý thức hệ mà còn bắt đầu với sản phẩm của bản thân sự thực nữa.
    Trong giai đoạn hoạt động sau cùng, khoảng đầu thập niên 1980, sự chú ý của Foucault chuyển sang đạo đức học. Trong quyển 2 và 3 của Lịch sử phái tính (1984) - Chăm sóc bản ngã (1984) và Sử dụng niềm vui (1985), ông bận tâm đến những cách thức mà con người trở thành những chủ thể. Trong thập niên 1970, ông quan niệm chủ thể tính chủ yếu là sản phẩm của sự chinh phục, nghĩa là, các loại chủ thể khác nhau được phân tích như là hệ quả của các loại quyền lực khác nhau. Tuy nhiên, giờ đây, ông nghiên cứu những cách thức qua đó cá nhân hành dộng theo bản thân và chuyển hóa bản thân, có liên quan đến dạo đức học giới tính của Hy Lạp cổ đại (quyển 2) và việc chăm sóc bản ngã trong thế giới La Mã trong hai thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Ki-tô giáo. Foucault dùng ý niệm coi đạo đức học như một hình thái của sự tương quan giữa bản ngã với bản ngả này để đối lập với ý niệm coi luận lý như sự vâng phục một hệ thống luật lệ chi phối trong Ki-tô giáo, mở ra một triển vọng tìm cách diễn giải cuộc sống con người như một công trình nghệ thuật riêng tư.
    TRIẾT HỌC
    Có những kiểu hiện hữu gì? Yếu tính của nó là gì? Bản chất của lịch sử là gì? Của nhân loại là gì? Trái với nhiều học giả đi trước, Foucault không tìm cách trả lời những câu hỏi truyền thống này mà xem xét một cách có phê phán các câu hỏi đó và những giải đáp mà chúng đã gợi lên. Ông hướng tinh thần hoài nghi kiên định nhất của mình đến những giải đáp – như chủng tộc, sự đồng nhất của lý trí hay tinh thần, tiến bộ và tự do - đã trở thành bình thường ở châu Âu và Hoa Kỳ trong thế kỷ XIX. Ông cho rằng, những chuyện bình thường đó ảnh hưởng cả hiện tượng học của Hegel lẫn thuyết duy vật của Marx. Ông cho thấy chúng còn ảnh hưởng đến sinh học tiến hoá, nhân loại học tự nhiên, y học lâm sàng, tâm lý học, xã hội học và tội phạm học trong cũng một giai đoạn. Ba ngành sau (tâm lý học, xã hội học, tội phạm học) là một phần của cãi sẽ được gọi trong tiếng Pháp là les sciences humaines, hay các khoa học nhân văn.
    Một số triết gia thuộc truyền thống thực chứng Anh - Mỹ, trong đó có Carl Hempel, chỉ trích các khoa học nhân văn đã không đạt được tính nghiêm ngặt khái niệm và phương pháp luận của toán học hay vật lý học. Foucault cũng nhìn thấy khiếm khuyết đó, nhưng ông dứt khoát phản đối nguyên lý thực chứng cho rằng, các phương pháp của các khoa học thuần túy hay tự nhiên mang lại một chuẩn mực duy nhất để đi tới tri thức xác thực và chính đáng. Thay vì vậy, ông tập trung phê phán điểm tựa cơ bản của sự tìm kiếm trong các khoa học nhân văn: khái niệm ''con người''. Con người của sự tìm kiếm này là một sinh vật, như nhiều khái niệm đi trước, muốn có một yếu tính thường hằng - thật vậy, một yếu tính kép. Một mặt, con người là đối tượng, như bất kỳ đối tượng nào khác trong thế giới tự nhiên, tuân theo những mệnh lệnh tình cờ của các quy luật tự nhiên. Mặt khác, con người là chủ thể một tác nhân duy nhất có khả năng hiểu và thay đổi tình trạng trần tục của mình để trở nên chính mình một cách trọn vẹn hơn, thực chất hơn. Foucault điểm lại lịch sử để tìm bằng chứng cho thấy một tạo vật như thế thực sự đã từng hiện hữu, nhưng vô ích. Tìm kiếm các đối tượng, ông chỉ thấy đa số chủ thể mà các đặc điểm của chúng thay đổi ghê gớm trong không gian và thời gian. Nếu để hồ sơ lịch sử sang một bên, con người kép của các khoa học nhân văn có lẽ sẽ xuất hiện một lúc nào đó trong tương lai chăng? Trong Trật tự của vạn vật và nhiều chỗ khác, Foucault gợi ý rằng, trái lại, một tạo vật vì lý do nào đó bị tất định hoàn toàn hay được tự do hoàn toàn thì không khác gì một nghịch lý, một mâu thuẫn về mặt ngôn từ. Không chỉ không bao giờ hiện hữu trong thực tế, nó còn không thể hiện hữu, ngay cả trong lý thuyết.
    Foucault hiểu chính khả năng phê phán của ông là bằng chứng cho thấy khái niệm con người đang bắt đầu thoát khỏi sự ràng buộc của tư tưởng phương Tây. Tuy nhiên vẫn còn một nan giải: Bằng cách nào mà một hình ảnh về con người sai lầm như vậy, bất khả như vậy lại hoàn toàn được coi là hiển nhiên trong thời gian quá dài? Giải đáp của Foucault nhấn mạnh rằng, trong các quốc gia mới nổi lên ở châu Âu thế kỷ XVII và XVIII, ''con người'' là điều kiện tiên quyết để tạo nên những thiết chế và thực hành xã hội lúc đó là cần thiết để bảo đảm mọi công dân đều làm việc với hiệu quả cao nhất. Với sự xuất hiện của ''con người'', ý tưởng cho rằng, cá tính và kinh nghiệm con người là bất biến dần dần nhường chỗ cho ý tưởng nói rằng, cả thân xác và linh hồn có thể bị nhào nặn và sửa đổi.
    Đối với Foucault, mẫu mực của các thiết chế ''kỷ luật” - một kiểu khống chế tìm cách làm cho mỗi trường hợp ''lệch lạc'' trở nên hoàn toàn có thể thấy được, dù nhân danh sự ngăn cấm hay phục hồi - là nhà tù Panopticon, nhà tù xây tròn, ở giữa có chòi canh gác được triết gia và nhà cải cách xã hội Jeremy Bentham thiết kế năm 1787, nó đặt mỗi tù nhân đối diện công khai với sự khảo sát kỹ lưỡng của “đôi kính râm'' chòi canh. Trong số những công cụ kỷ luật hiện đại, việc dùng camera kiểm soát phải được tính là một trong những công cụ tiêu biểu nhất.
    Mặc dù hình thức kỷ luật này nhắm tới cá nhân, nó được ghép đôi với chiều hướng của chủ nghĩa cải cách không tính đến cá nhân mà lấy những nhóm người khác nhau làm đối tượng cơ bản của nó. Nó chăm chú xem xét mọi thứ từ hành vi tính dục đến tổ chức xã hội. Nó còn phát hiện ''những kẻ lệch lạc”, nhưng không phải để loại trừ mà để kiểm soát tốt hơn. ''Khoa sinh chính trị'' này của các nhà cải cách, theo Foucault, chứa đựng những nguyên lý cơ bản của nhà nước phúc lợi hiện đại. Một tư tưởng gia có khuynh hướng duy vật nghiêm ngặt có thể đã thêm rằng, trong cả kỷ luật lẫn chính trị sinh vật, các khoa học nhân văn giữ chức năng ý thức hệ, che giấu những cơ cấu phức tạp của sự thống trị chuyên quyền trong cái vẻ nghiêm nghị của sự khách quan. Tuy nhiên, Foucault phản đối khuynh hướng duy vật coi khoa học - ngay cả khoa học mơ hồ nhất - chỉ như là con sen của quyền lực. Ông phản đối bất kỳ sự đồng nhất tri thức ngay cả tri thức sai lầm nhất - với quyền lực. Thay vì vậy, ông đề nghị đánh giá cao những phương cách trong đó tri thức và quyền lực luôn luôn gắn chặt với nhau trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tạo thành những động lực phức hợp của điều mà ông gọi là pouvoir - savoir, tri thức - quyền lực.
    Theo Foucault, sự thống trị không chỉ là kết quả của những động lực này. Một động lực khác là chủ thể hóa'', sự phân loại cụ thể về mặt lịch sử và khuôn định những con người cá thể thành những “chủ thể'' khác nhau - như anh hùng và tầm thường, “quy phạm'' và ''lệch lạc''. Tuy nhiên, nhận thức về chủ thể hóa của Foucault thay đổi đáng kể qua hai thập kỷ, cũng như các phương pháp mà ông áp dụng để phân tích nó.
    Foucault tự xếp mình vào truyền thống triết học phê phán bắt nguồn từ Kant, nhưng tư tưởng của ông chín muồi qua vô số hoạt động. Ông phản bác cả thuyết Hegel lẫn chủ nghĩa Marx nhưng rất coi trọng cả hai. Tác phẩm của các nhà văn hiện đại Pháp Raymond Roussel, Georges Bataille, và Maurice Blanchot khiến ông xác tín rằng, cả tri thức luận chính đáng lẫn siêu hình học chính đáng đều không thể đặt nền tảng trên một khái niệm tổng quát và phi lịch sử về “chủ thể”. Các trước tác của Friedrich Nietzsche hướng vào lịch sử của thân xác và của sự cao quyền lực và tri thức. Nó còn cho ông những nguyên mẫu của khảo cổ học và phả hệ học Canguilhem, sử gia của các khoa học về sự sống, Foucault tìm thấy một mẫu mực trí thức độc lập với các phe phái hiện tượng luận và duy vật đang thống trị các trường đại học Pháp sau Canguithem là người hướng dẫn luận án của Foucault và là người ủng hộ những công trình nghiên cứu sâu rộng hơn của ông sau này.
    Trong tất cả tác phẩm viết ra trong giai đoạn cuối, Foucault tầm cách cho thấy rằng, ở xã hội Tây phương đã và đang phát triển một loại quyền lực mới mà ông gọi là sinh – quyền lực (bio-power), đó là một hệ thống kiểm soát mới mà những khái niệm truyền thống về quyền lực không thể hiểu và phê phán. Thay vì đàn áp, quyền lực mới này cổ vũ cuộc sống. Foucalt khuyến khích mọi người chống lại nhà nước phúc lợi bằng cách phát triển đạo đức trong đó con người biến đời sống của mình thành một thứ mà người khác phải trân trọng và ngưỡng phục.
    NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH
    Madnees and Civilization (1961; Điên loạn và văn minh)
    The Birth of Clinic (1963; Sự ra đời của dưỡng đường)
    The Archaeology of Knowledge (1969; Khảo cổ học về tri thức)
    Discipline and Punish (1975; Kỷ luật và xử phạt)
    The History of Sexuality. Volume: An Introduction (1976; Lịch sử phái tính; Quyển I; Dẫn nhập)
    The Care of the Self (1984; Chăm sóc bản ngã) 
    (Nguồn: 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn)
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org