Lý thuyết của Hobbes về nhà nước duy lý

Posted on
  • Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Minh dịch
    Giới thiệu
    Thomas Hobbes sinh năm 1588 tại Malmesbury, và mất năm 1679 ở tuổi 91. Sau khi hoàn thành chương trình trung học và đại học, ông trở thành gia sư cho gia đình Cavendish, và ở đó cho tới năm 1628 khi mà học trò của ông, Earl Devonshire thứ hai, qua đời. Sau đó, ông trở thành gia sư cho gia đình Clinton, và tới năm 1631, ông quay trở lại với gia đình Cavendish để làm gia sư cho Earl Devonshire thứ ba. 
    Năm 1640, sự kiện triệu tập “Quốc hội Ngắn ngủi” đã thúc đẩy ông cho lưu hành một cuốn sách mỏng bảo vệ quyền tuyệt đối của nhà Vua, nhưng điều này đã gây ra một sự thù địch đáng kể, và ông thấy tốt hơn nên rời tới Paris, nơi ông sống ở đó trong 11 năm tiếp theo. Trong giai đoạn này, ông viết tác phẩm chính của mình, Leviathan, tác phẩm được xuất bản ở Lôn đôn năm 1651. Tác phẩm gặp phải sự phản bác rộng rãi, bởi vì: nỗ lực biện minh của ông cho quan điểm rằng, quyền tuyệt đối thuộc về bất cứ chính quyền nào nắm quyền là thực sự ghê tởm đối với những người bảo Hoàng (những người tin vào quyền Thần thánh của vua chúa), đồng thời thuyết vô thần của ông bị Giáo hội Anh lên án, cũng như việc ông đặt thẩm quyền Giáo hội bên dưới thẩm quyền dân sự là không thể chấp nhận được với Giáo hội La mã. Những người Bảo hoàng lưu vong ở Paris đặc biệt không thích một học thuyết, mà nếu đúng, sẽ biện minh cho việc họ phải sống lưu vong vĩnh viễn, và vì vậy Hobbes bị trục xuất ra khỏi Triều đình của họ. Trong hoàn cảnh này, ông nghĩ sẽ là khôn ngoan khi làm hòa với Hội đồng nhà nước của “Quốc hội Tàn dư”. Khi nền Quân chủ được khôi phục vào năm 1660, Hobbes được nhà Vua tha thứ, và sau đó dần đi đến ủng hộ Triều đình. Nhưng Leviathan tiếp tục gây ra sự thù địch trong giới tu sĩ, và một ủy ban quốc hội được triệu tập để thu thập thông tin về nó. Tuy nhiên, không có hành động nào xảy ra, và Hobbes sống yên bình ở Anh trong những năm tháng còn lại đến cuối đời.
    Một sự điểm qua các sự kiện chính trị chính xảy ra trong cuộc đời của Hobbes là cần thiết để cho thấy sự no âu về những bất ổn của thời đại mà ông sống. Cuộc nội chiến thứ nhất giữa Vua và Quốc hội (1642 – 1645), cuộc nội chiến thứ hai (1648), sự xử tử Charles I (1649), sự cai trị của “Quốc hội Tàn dư” (1649 – 1653), chế độ bảo hộ của Cromwell (1654 – 1658), và sự khôi phục nền quân chủ (1690), tất cả đều xảy ra trong giai đoạn này. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy trong lý thuyết chính trị của Hobbes có sự nhấn mạnh rất lớn vào sự cần thiết của một chính quyền mạnh và ổn định, và tầm quan trọng của việc phục tùng quyền lực của nó.
    Phân tích của Hobbes về bản chất con người
    Lý thuyết của Hobbes về nhà nước không phải là ngoại lệ đối với sự khái quát hóa cho rằng các lý thuyết chính trị là sự trình bày quan niệm của tác giả về một nhà nước lý tưởng. Trong lý thuyết của Hobbes, từ “lý tưởng” có một ý nghĩa đặc biệt và không bình thường; tuy nhiên sự phân biệt giữa nhà nước như nó là với nhà nước mà ông nghĩ nó phải là không kém phần đúng đắn, và ông dành phần lớn tác phẩm Leviathan để giải thích và bảo vệ quan niệm của ông về nhà nước lý tưởng này. Từ lý do trên, nên sẽ là sai lầm khi miêu tả lý thuyết chính trị của Hobbes là một lý thuyết “cơ giới”, vì điều đó cho rằng ông tin các đặc điểm của một nhà nước hiện thực có thể được suy ra từ các nguyên tắc của tâm lý học. Ở mức độ nào đó, Hobbes xem các hành động của con người được quyết định bởi tự nhiên và môi trường, nhưng ông cũng thừa nhận là con người có quan năng lý tính mà qua đó họ có thể tính toán các phương cách hiệu quả nhất để hiện thực hóa ước muốn của họ; và vì các tính toán này cho kết quả có thể đúng hoặc sai, nên việc sử dụng lý tính mang đến một yếu tố bất định vào trong một hệ thống mà nếu khác hơn sẽ là một hệ thống hoàn toàn tất định. 
    Phân tích của Hobbes về bản chất con người dựa vào bốn sự khái quát hóa kinh nghiệm quan trọng như sau:
    (i) Thứ nhất, theo ông các động cơ cơ bản của mọi hành động tự nguyện (phân biệt với các hành động không tự nguyện như hít thở) là ước muốnác cảm. Ông nghĩ rằng ước muốnác cảm là hai mặt đối lập của sự cố gắng, qua đó ông muốn nói đến sự kết hợp giữa cảm nhậný chí. Sự cố gắng có thể là một trong hai mặt đối lập này tùy thuộc vào việc nó hướng đến hoặc tránh xa khỏi đối tượng gây ra nó. Hobbes sử dụng từ “coi thường” để biểu thị thái độ dửng dung với đối tượng mà không kích thích ước muốn hoặc ác cảm.
    (ii) Thứ hai, Hobbes cho rằng con người không chỉ muốn các đối tượng có thể đạt được ngay lập tức mà còn muốn có sự đảm bảo rằng họ sẽ có thể thỏa mãn các ước muốn trong tương lai. Như lời ông nói:
    “Đối tượng của ước muốn của con người không chỉ là sự hưởng thụ một lần, và trong một lát; nhưng còn là ước muốn sự đảm bảo mãi mãi cho sự hưởng thụ trong tương lai”.
    Nói tóm lại, đối tượng cơ bản của ước muốn của con người là quyền lực, mà Hobbes định nghĩa là “phương tiện hiện tại để đạt được một số lợi ích trong tương lai”.
    (iii) Thứ ba, Hobbes tin rằng, khi các năng lực vật lý và tinh thần được đưa vào trong tính toán, nhìn chung, khả năng để đạt được mục đích của mình của con người là tương tự nhau. Sự yếu kém về sức khỏe thường được bù đắp bởi khả năng tinh thần và ngược lại.
    (vi) Cuối cùng, Hobbes tin rằng con người có quan năng lý tính qua đó họ “đạt được nhận thức về kết quả, và sự phụ thuộc của sự kiện này vào sự kiện khác”. Nhận thức như vậy có được bằng cách khái quát hóa kinh nghiệm, và từ đó cho phép con người tính toán các cách thức hiệu quả hơn để đạt được đối tượng của ước muốn của mình.
    Nếu con người không có lý tính, các hành động của anh ta, ít nhất về mặt lý thuyết, có thể dự đoán được trong bất cứ hoàn cảnh nào dựa vào nhận thức về ước muốn và môi trường anh ta sống, vì anh ta sẽ phản ứng tự động trước mỗi hoàn cảnh. Nhưng với lý tính, anh ta có thể đạt được các kết luận có thể đúng hoặc sai về phương cách tốt nhất để hiện thực hóa ước muốn của mình, từ đó tạo ra một yếu tố bất định trong các hành động.
    Hobbes nói, ước muốn cho quyền lực (miêu tả ở (ii) ở trên) cũng quan trọng như các ước muốn cơ bản khác của con người. Nhưng dường như nó trở thành một ước muốn phái sinh theo sau việc sử dụng lý tính. Ước muốn quyền lực để thỏa mãn các ước muốn trong tương lai rõ ràng bắt nguồn từ nhận thức rằng con người luôn muốn thỏa mãn các ước muốn của mình, điều mà một lần nữa là một sự tổng quát hóa dựa vào các kinh nghiệm cụ thể về ước muốn.
    Rõ ràng, bốn sự tổng quát hóa của Hobbes là từ kinh nghiệm, và chúng phải chịu sự kiểm nghiệm của kinh nghiệm. Không có một sự tất yếu tiên nghiệm nào trong các mệnh đề cho rằng: ước muốn (dù có bị điều kiện bởi kinh nghiệm hay không) là nguyên nhân phổ quát của các hành động tự nguyện; hoặc con người nói chung là như nhau về khả năng; hoặc họ cùng sở hữu lý tính. Và nếu những sự tổng quát hóa này không đúng, thì sự suy luận mà Hobbes rút ra từ đó để trình bày lý thuyết lý tưởng về nhà nước của mình sẽ không có cơ sở.
    Phân tích của Hobbes về kinh nghiệm đạo đức
    Trong phân tích của Hobbes về bản chất con người, rõ ràng không có chỗ cho kinh nghiệm đạo đức. Ông nghĩ rằng, những từ ngữ dùng để miêu tả một kinh nghiệm như vậy hoàn toàn có thể định nghĩa dựa vào các khái niệm phi đạo đức. Nhưng chúng phải được định nghĩa khác nhau ở giai đoạn tiền xã hội và giai đoạn xã hội.
    Ở giai đoạn tiền xã hội, khi con người không là thành viên của bất cứ xã hội có tổ chức nào, “tốt” đơn giản là “bất cứ thứ gì con người muốn” và “xấu” đơn giản là “bất cứ thứ gì con người ác cảm”. Ông không thừa nhận có một tiêu chuẩn độc lập về tốt và xấu. Ước muốn và ác cảm của con người sẽ quyết định điều gì là tốt và xấu cho anh ta, và đây là ý nghĩ duy nhất trong đó bất cứ thứ gì đó có thể là tốt hoặc xấu cho đến khi con người chuyển giao quyền tự do tự nhiên, quyền làm bất cứ điều gì đối với người khác mà anh ta hài lòng. Hobbes diễn đạt điều này như sau:
    “Có phải những từ tốt, xấu, coi thường bao giờ cũng độc lập với bản thân người sử dụng chúng? chắc chắn không bao giờ như vậy; cũng không có bất cứ quy tắc chung nào về tốt và xấu được rút ra từ bản chất của chính đối tượng, mà là từ bản thân con người (nơi không có công quốc), hoặc từ bản thân người đại diện cho nó (trong một công quốc), hoặc từ người phân xử, người mà những con người vốn bất hòa thiết lập lên bởi sự đồng thuận, và do vậy đưa ra các phán quyết của anh ta về quy tắc đó.”
    Với điều này Hobbes muốn nói rằng, nếu một người sống bên ngoài xã hội chính trị, các ước muốn và ác cảm của anh ta sẽ quyết định khái niệm của anh ta về điều gì là tốt và điều gì là xấu; trong khi nếu anh ta sống trong một xã hội chính trị khái niệm của anh ta về điều gì là tốt và điều gì là xấu sẽ bị quyết định bởi bản thân những người nắm giữ Quyền tối cao. Lý do cho sự phân biệt này trở nên rõ ràng trong những đoạn sau.
    Trạng thái tự nhiên
    Từ giả thiết mỗi người luôn luôn tìm kiếm lợi ích cho riêng mình, và không ai vượt trội hẳn so với người khác, Hobbes đi đến kết luận rằng, nếu không có một chính quyền với quyền lực cưỡng chế, con người sẽ sống trong tình trạng chiến tranh – “tất cả chống lại tất cả”. Với kết luận như vậy, ông không có ý nói họ sẽ liên tục chủ động chiến tranh với nhau nhưng là họ sẽ đối diện với nguy cơ bị tấn công và không có được sự đảm bảo an ninh nào ngoài sự đảm bảo mà sức mạnh và tài xoay sở của riêng họ có thể mang lại. Theo Hobbes, sống trong điều kiện như vậy, việc theo đuổi đời sống văn minh là không thể, và cuộc đời của con người sẽ là “cô độc, nghèo đói, bẩn thỉu, tàn bạo, và ngắn ngủi”.
    Hobbes nghĩ đây sẽ là tình trạng của con người trong “trạng thái tự nhiên”, tức là, tình trạng trong đó không thuộc về một tổ chức chính trị nào. Hobbes tin rằng kết luận này sẽ được củng cố bởi các quan sát, và cho thấy, khi không có một tổ chức chính trị như vậy, kết quả sẽ luôn luôn là như vậy. Để minh họa cho điều này, ông đề cập đến đời sống của người hoang dã và chính sách của các quốc gia có chủ quyền. Trường hợp thứ nhất hiện nay không được xem như một ví dụ tốt nữa. Các nghiên cứu nhân loại học đã cho thấy, ngay cả trong những dạng thức nguyên thủy nhất của xã hội, vẫn luôn có các yếu tố của một đời sống xã hội và một tiêu chuẩn đạo đức, và như vậy, Aristotle đến gần với chân lý hơn nhiều so với Hobbes khi miêu tả con người là một “động vật chính trị”. Tuy nhiên, Hobbes có cơ sở chắc chắn hơn khi ông đề cập đến chính sách của các quốc gia có chủ quyền. Cho đến gần đây, khi đã có những lỗ lực để giải quyết các tranh cãi quốc tế bởi các tổ chức có thẩm quyền quốc tế như Hội liên quốc và Liên hợp quốc, nhưng các quốc gia vẫn yêu sách quyền tự quyết cho những gì họ tin là lợi ích của chính họ. Đúng là sự tuân thủ nói chung của các hành vi cá nhân đối với tiêu chuẩn đạo đức chủ yếu được giải thích dựa vào thói quen và sự sợ hãi trừng phạt, và nếu không có sự sợ hãi này, sự ích kỉ không quan tâm đến lợi ích của người khác sẽ trở nên phổ biến hơn nhiều.
    Luật tự nhiên
    Hobbes nghĩ rằng con người thoát khỏi trạng thái tự nhiên bằng cách sử dụng lý tính của mình. Lý tính không lựa chọn mục đích của hành động – những mục đích này do ước muốn hay ác cảm quyết định – nhưng lý tính phản tư về các kết quả của hành động và cho con người biết làm thế nào để có thể đạt được những mục đích đáng mong muốn này một cách nhanh chóng và đầy đủ. Các nguyên tắc chung rút ra từ sự phản tư này được gọi là “Luật tự nhiên”. Định nghĩa của Hobbes về Luật tự nhiên như sau:
    “Một luật tự nhiên là một châm ngôn hay một nguyên tắc chung, được tìm ra bởi lý tính, qua đó con người bị ngăn cấm làm những điều như hủy hoại mạng sống của mình, hoặc bỏ đi các phương tiện để bảo tồn cuộc sống của mình, hay quên rằng nhờ nó anh ta nghĩ cuộc sống sẽ được bảo tồn tốt nhất”
    Trong định nghĩa này Hobbes sử dụng từ “cấm” theo nghĩa ẩn dụ. Ông không có ý nói rằng con người bị quyền lực của con người, hay của thần thánh cấm làm những gì gây guy hiểm cho cuộc sống của anh ta. Ông chỉ muốn nói rằng con người tự bản chất muốn bảo tồn cuộc sống của họ, và lý tính cho họ biết họ phải tránh làm gì nếu muốn duy trì cuộc sống của mình. Việc không tuân theo luật là không sai về mặt đạo đức nhưng chỉ đơn giản là phi lý tính, vì nó liên quan đến những hành động mâu thuẫn với sự thỏa mãn ước muốn phổ quát nhất là bảo tồn sự sống.
    Ông liệt kê ra một vài Luật tự nhiên, mà ba trong số đó đặc biệt quan trọng. Luật thứ nhất là nền tảng cho các luật khác, vì ông tin các luật khác được rút ra từ luật này. Nó được diễn đạt như sau:
    Con người phải cố gắng vì hòa bình trong trừng mực mà anh ta hi vọng đạt được nó, và khi anh ta không thể đạt được nó, anh ta có thể tìm kiếm, và sử dụng mọi sự giúp đỡ và thuận lợi của chiến tranh. Nhánh thứ nhất của quy tắc này chứa đựng Luật tự nhiên thứ nhất và là luật tự nhiên nền tảng, đó là, tìm kiếm hòa bình và theo sau hòa bình, nhánh thứ hai của quy tắc này, là toàn bộ các quyền tự nhiên, đó: chúng ta có thể bảo vệ mình bằng mọi phương tiện.”
    Với luật này, Hobbes chỉ muốn nói rằng ở đâu con người sống trong hòa bình với hàng xóm của mình, thì làm như vậy là hợp với lý tính, nhưng ở đâu mà điều này không thể, thì việc chiến đấu với những phương tiện hữu hiệu nhất có sẵn là hợp với lý tính. Và những khả năng khác nhau này là “hợp lý tính” theo nghĩa là chúng sẽ thúc đẩy hiệu quả nhất hòa bình và an ninh mà mọi người muốn.
    Luật tự nhiên thứ hai rút ra từ luật tự nhiên thứ nhất, và được phát biểu như sau:
    “Đó là mỗi người sẽ sẵn sàng, khi người khác cũng như vậy, đến bất cứ mức độ nào, vì hòa bình và sự bảo vệ của chính anh ta, anh ta sẽ từ bỏ quyền đối với mọi thứ là cần thiết; và hài lòng với sự tự do chống lại người khác, như anh ta cho phép người khác tự do chống lại chính anh ta.”
    Như Hobbes nhận xét, luật này có thể phát biểu đơn giản hơn như luật của sách Phúc âm: “Bất cứ điều gì bạn yêu cầu người khác làm cho bạn, bạn phải làm như vậy với họ”. Nói cách khác, luật này diễn đạt rằng nếu một người mong muốn người khác tôn trọng ước muốn cho hòa bình và an ninh của anh ta, thì anh ta cũng phải tôn trọng cho ước muốn tưng tự như vậy của người khác. Nếu anh ta tiếp tục trong trạng thái tự nhiên và làm bất cứ điều gì anh ta nghĩ là cần thiết để bảo tồn cuộc sống của anh ta, anh ta cũng phải tin tưởng là người khác cũng làm như vậy; và do đó một trong những điều mà mọi người muốn làm là giới hạn sự can thiệp của người khác can thiệp vào sự tự do của anh ta. Và nếu mọi người cố gắng để giới hạn sự tự do của người khác thì sẽ dẫn đến trạng thái chiến tranh trong đó sự đảm bảo duy nhất của con người là sức mạnh và sự khéo léo mà anh ta có.
    Bây giời Hobbes nghĩ rằng mọi người có điều mà ông gọi là “quyền tự nhiên” “để sử dụng sức mạnh của anh ta, như anh ta muốn, để bảo tồn cuộc sống riêng của anh ta”. Từ phân tích thực tế của Hobbes về các khái niệm đạo đức, Hobbes không nói đến bất cứ quyền đạo đức để sử dụng sức mạnh như ai đó nghĩ là tốt nhất bởi “quyền tự nhiên này”, nhưng đơn giản là sự tự do để làm như vậy. Một lần nữa, sự tự do mà ông định nghĩa như là “sự vắng mặt của những sự cản trở bên ngoài: những sự cản trở có khả năng lấy đi năng lực để làm những gì anh ta muốn; nhưng không thể ngăn cản anh ta sử dụng sức mạnh để dẫn dắt anh ta tùy theo phán đoán và lý tính của anh ta mệnh lệnh anh ta”. Nói đơn giản hơn con người có thể làm điều mà anh ta không bị cản trở bởi các trở ngại bên ngoài. Tính độc đáo trong quan điểm của Hobbes nằm ở việc ông phủ nhận quan điểm cho rằng con người bị ngăn cản mãi mãi khỏi thực hiện các hành động bởi sự cân nhắc rằng hành động này, theo nghĩa đạo đức và khách quan, là sai trái. Anh ta có thể bị cản trở khỏi làm những điều mà anh ta muốn làm bởi vì anh ta không thể làm điều đó: anh ta không bao giờ bị ngăn cản khỏi làm điều đó – trong trạng thái tự nhiên – bởi sự cân nhắc rằng anh ta không được phép làm điều đó.
    Khế ước xã hội
    Nhưng Hobbes tin rằng con người có thể tự nguyện “từ bỏ quyền làm mọi thứ của mình” (như ông nêu trong Luật tự nhiên thứ hai). Với điều này, ông muốn nói là con người có thể tự nguyện từ bỏ năng lực tự nhiên để làm mọi thứ của anh ta. Hobbes nghĩ rằng con người có thể làm điều này theo một trong hai cách sau: anh ta đơn thuần từ bỏ nó “khi anh ta không quan tâm sẽ mang lại lợi ích cho ai” hoặc anh ta có thể chuyển nhượng nó “khi anh ta dự định mang lại lợi ích cho một số người”; tức là, khi anh ta cân nhắc ủy quyền cho một số người để thực thi quyền lực mà ban đầu thuộc về anh ta. Hobbes tiếp tục:
    “Khi con người từ bỏ quyền của anh ta theo một trong hai cách trên; thì anh ta có nghĩa vụ, hoặc bị ràng buộc không cản trở những người được trao cho quyền đó vì lợi ích của nó; và anh ta phải, và đó là bổn phận của anh ta không được hủy bỏ hành động tự nguyện đó của anh ta”.
    Tuy nhiên, khi nói rằng một người đã trao đi quyền tự nhiên, hay đúng hơn là sự tự do để làm mọi thứ, có nghĩa vụ, hoặc ràng buộc không ngăn cản sự thực thi của nó bởi người khác, có xu hướng che đậy bản chất thực sự của phân tích của Hobbes. Ông không nói rằng có một số ý nghĩa đạo đức khách quan trong đó con người phải không được ngăn cản sự thực thi quyền lực đã chuyển giao cho người khác, ông cũng không nói rằng con người bị ràng buộc, theo nghĩa bị ép buộc về mặt thể xác, để cho phép thực thi quyền đó bởi những người mà họ đã được chuyển giao cho. Điều Hobbes muốn nói là việc ngăn cản người mà ta trao quyền khiên họ không thể thi hành nó là phi lý. Theo ông, đó là vô lý, vì nó liên quan đến sự mâu thuẫn của nỗ lực, đồng thời, vừa chuyển nhượng lại vừa giữ lại quyền lực tự nhiên.
    Nếu Hobbes đúng khi cho rằng hành động của con người được quyết định chỉ bởi ước muốn và ác cảm, thì con người sẽ chuyển một trong những quyền lực tự nhiên tới ai đó chỉ nếu anh ta tin rằng bằng cách làm như vậy anh ta có khả năng thỏa mãn các ước muốn của mình tốt hơn. Và ước muốn chi phối của anh ta là ước muốn quyền lực. Từ đây, Hobbes kết luận, động cơ và mục đích mà sự từ bỏ và chuyển giao quyền lực này không là gì khác ngoài sự đảm bảo an ninh đối với đời sống của anh ta, cũng như đảm bảo các phương tiện để duy trì đời sống đó.
    Sự chuyển nhượng quyền (hoặc sức mạnh) lẫn nhau này được Hobbes gọi là một khế ước. Khi một bên thực hiện phần khế ước của anh ta trước bên kia, nó trở thành một giao ước hay một khế ước với một nghĩa vụ mở rộng trong tương lai. Ở đây, một lần nữa cần phải nhớ rằng, “nghĩa vụ” không liên quan đến sự cưỡng bách về mặt vật lý hay đạo đức, nhưng chỉ là sự cưỡng bách duy lý để làm điều mà người đó đã hứa làm để nhận được một cái gì đó mà bên kia của khế ước đã làm hoặc đang làm. Mặt khác, như Hobbes đã chỉ ra, không có sự đảm bảo là con người sẽ “thực hiện giao ước của họ”, như giữ lời hứa, bởi vì các ràng buộc bằng lời nói là quá yếu để kiềm chế tham vọng, sự tham lam, sự giận giữ, cả các đam mê khác của con người, nếu không có quyền lực cưỡng bách gây ra sự sợ hãi.
    Hobbes nghĩ “sự sợ hãi kết cục của việc phá vỡ lời hứa” là điều thuyết phục đa số đi đến “thực hiện giao ước” của họ; dù “sự kiêu hãnh khi không phá vỡ lời hứa” thỉnh thoảng cũng hữu hiệu. Nhưng, với đa số, “các giao ước mà không có lưỡi kiếm và chỉ với lời nói, thì không đủ sức mạnh để đảm bảo con người thực hiện giao ước”.
    Tuy nhiên, nếu thực hiện các giao ước không đáng tin, con người vẫn ở trong trạng thái tự nhiên với tất cả những thuận lợi và nguy hiểm của nó. Từ lý do này, Hobbes cho rằng, con người đồng ý liên kết để hình thành một Quyền lực chung “giữ họ trong sự kính sợ, và hướng dẫn hành động của họ vì lợi ích chung”. Và ông nghĩ rằng Quyền lực chung này - qua đó ông muốn nói điều mà chúng ta sẽ gọi là “chính quyền” của một nhà nước - bắt đầu như sau:
    “Cách duy nhất để xây dựng một Quyền lực chung ….là trao tất cả quyền lực và sức mạnh của mọi người cho một người, hoặc một nhóm người, khiến cho tất cả ý chí của mọi người, với sự đa dạng, phục tùng một ý chí: tức là, bổ nhiệm một người, hoặc một hội đồng, để gánh vác Con người chung của họ”.
    Để đạt được kết quả này Hobbes nghĩ rằng mọi người phải đưa ra một giao ước với mọi người khác:
    “Tôi ủy quyền và từ bỏ quyền cai trị chính tôi tới người đàn ông này, hoặc tới hội đồng này, với điều kiện là bạn cũng từ bỏ quyền của mình cho anh ta, và ủy quyền cho anh ta theo cách tương tự”.
    Đây là điều mà Hobbes gọi là khế ước xã hội. Nó là nguồn gốc của sự thống nhất từ đó hình thành nên một nhà nước hoặc (như Hobbes gọi nó) một công quốc. Con người hoặc hội đồng được trao quyền cai trị Hobbes gọi là “quyền tối cao”, được ông định nghĩa như sau:
    “Một người, với đa dạng hành động, bởi một giao ước với người khác, ….vì mục đích …. anh ta có thể sử dụng sức mạnh và tất cả phương tiện của họ, như anh ta nghĩ là thiết thực, cho hòa bình và phòng vệ chung của họ”
    Tất cả mọi thành viên của công quốc ngoài thực thể nắm quyền tối cao được gọi là thần dân.
    Công quốc thiết lập và Công quốc tiếm đoạt
    Hobbes chỉ ra rằng quyền lực tối cao, và do đó là các công quốc, có thể được hình thành theo một trong hai cách sau – bởi sự thiết lập hoặc bởi sự tiếm đoạt. Công quốc được hình thành bởi một nhóm người đồng ý giữa họ với nhau phục tùng một quyền lực trung tâm tối cao, là công quốc được hình thành từ sự thiết lập. Trong khi công quốc được hình thành bởi tiếm đoạt được định nghĩa như sau:
    “Một công quốc được hình thành từ sự tiếm đoạt là công quốc mà quyền tối cao được đạt được bằng bạo lực; và nó được đạt được bằng bạo lực khi những con người đơn lẻ hoặc nhiều người tụ họp với nhau với sự đồng ý, vì sợ hãi cái chết hay xiềng xích, trao quyền cho một người, hoặc một hội đồng, nắm giữa sinh mạng và sự tự do trong quyền lực của anh ta”.
    Tóm lại, một công quốc hình thành từ sự thiết lập bắt nguồn từ một khế ước giữa những con người tự do, trong khi công quốc được hình thành từ sự tiếm đoạt được hình thành bằng bạo lực, như bạo lực của kẻ xâm lăng, hay một cuộc cách mạng thành công. Một ví dụ gần đây về công quốc hình thành từ sự tiếm đoạt là chính quyền quân sự được thiết lập ở Đức bởi những người chinh phục nó cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, trong khi một ví dụ gần đây về công quốc hình thành từ sự thiết lập là chính thể mới được xây dựng bởi người dân Pháp cũng sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
    Có một sự không rõ ràng về việc Hobbes xem giải thích của ông về công quốc được hình thành từ sự thiết lập có là một giải thích về mặt lịch sử hay không. Ông thường xuyên nói rằng dường như sự thiết lập của một công quốc như vậy là một sự kiện lịch sử, nhưng nghiên cứu nhân loại học không ủng hộ lý thuyết này, và cho thấy rằng ngay cả dạng xã hội nguyên thủy nhất của con người cũng có sự phân chia giữa người cai trị và người bị trị. Bất luận thế nào, bất cứ điều gì mà Hobbes muốn nói đến với lý thuyết của mình, các giả định lịch sử của nó, từ lập trường triết học, không phải là đặc trưng quan trọng nhất của nó. Như là một lý thuyết triết học, nó được đánh giá không bởi sự thành công của nó trong việc giải thích tại sao từ ban đầu con người lại thiết lập các chính quyền nhưng bởi thành công của nó khi cho thấy rằng hiện giờ họ có những lý do đúng đắn để tuân theo chính quyền của họ dù nó ban đầu có được thiết lập từ những lý do đó hay không. Từ điểm nhìn này, khế ước xã hội phải được xem như không là kết quả của một hành độc biệt lập mà là sự diễn đạt một niềm tin liên tục của các thành viên của công quốc, đó là lợi ích của họ để duy trì một chính quyền mạnh mẽ và ổn định với quyền lực vô biên. Nhiều nhà chú giải về Hobbes cho rằng ông xem khế ước xã hội là “không thể bãi bỏ được”, tức là, ông tin rằng nó sẽ là phi lý khi rút lại từ thực thể nắm quyền lực tối cao quyền lực đã chuyển nhượng của họ trong bất cứ hoàn cảnh nào, và một số phát biểu của ông chắc chắn gợi ý điều này. Ông nói:
    “Từ việc họ đã thiết lập một công quốc, vì vậy bị ràng buộc bởi khế ước thừa nhận các hành động và phán quyết của một người hoặc một hội đồng, nên không thể (một cách hợp pháp) tạo ra một khế ước mới giữa họ để tuân theo bất cứ ai khác mà không có sự cho phép của anh ta.”
    Với điều này, rõ ràng Hobbes muốn nói rằng việc chuyển nhượng quyền lực cho quyền tối cao thông qua khế ước xã hội là một sự chuyển nhượng mà sẽ là phi lý khi rút lại.
    Mặt khác, trong chương XXI rõ ràng ông gợi ý rằng có những hoàn cảnh trong đó hoàn toàn duy lý khi phá vỡ khế ước. Ông nói:
    “Nghĩa vụ của người dân đối với Quyền tối cao được thừa nhận kéo dài bao lâu khi quyền tối cao có còn có thể bảo vệ họ. Từ quyền mà con người có trong tự nhiên để bảo vệ chính mình khi không ai có thể bảo vệ họ, không khế ước nào là không thể bãi bỏ”.
    Phát biểu sau rõ ràng là mâu thuẫn với phát biểu trước, nhưng chắc chắn nó trình bày một lập trường mà là một hàm ý chung trong lý thuyết của Hobbes. Theo quan điểm của ông, con người tham gia khế ước xã hội và trao quyền tự nhiên của họ cho Quyền tối cao để đạt được hòa bình và an ninh, và nếu Quyền tối cao không thể thúc đẩy những mục đích này thì anh ta đã không thể thực hiện được mục đích mà quyền lực chuyển giao cho anh ta. Trong những trường hợp này, dường như là duy lý khi người dân lấy lại quyền lực mà họ đã chuyển nhượng cho anh ta và trao nó cho một một thực thể khác vốn sẽ đảm bảo hòa bình và an ninh hiệu quả hơn. Sự nhấn mạnh mà Hobbes đặt vào việc phá vỡ khế ước xã hội do đó mâu thuẫn không thể hòa giải được với mục đích của khế ước đó, và rõ ràng là một sự diễn đạt phần nào thiếu phê phán xuất phát t nỗi no mãnh liệt của ông về sự đảm bảo một chính quyền mạnh và ổn định với bất cứ giá nào.
    Nếu lý thuyết của Hobbes thực sự gợi ý là: sẽ là hợp lý khi con người thay thế một chính quyền vốn không thể thực hiện các mục đích mà anh ta được lựa chọn cho, thì giải thích chung về lý thuyết đó như là một sự bảo vệ chế độ độc tài chuyên chế phải bị bác bỏ, trái lại, nó phải được xem như một sự ủng hộ cho nguyên tắc cai trị bởi sự đồng thuận.
    Sự thật dường như là Hobbes không phân biệt rõ ràng giữa sự trao quyền tuyệt đối và sự trao quyền không thể bãi bỏ được. Sự trao quyền tuyệt đối, tức là quyền lực không hạn chế cho Quyền tối cao, nhưng nó không kéo theo là: một sự trao quyền như vậy là không thể bãi bỏ được, tức là không thể - hoặc không nên – rút lại. Những điểm quan trọng mà Hobbes nhấn mạnh là (a) bản chất của quyền tối cao là tuyệt đối, vô giới hạn, và (b) chính quyền sở hữu quyền tối cao là nền tảng cho một cộng đồng ổn định và trật tự. Nhưng điều này không gợi ý rằng một chính quyền như vậy sẽ được phép giữ lại quyền tối cao nếu nó không những quyền này cho các mục đích mà nó được thiết lập cho.
    Chân lý trong lý thuyết của Hobbes
    Do vậy, lý thuyết của Hobbes đề ra hai nguyên tắc cai trị quan trọng. Thứ nhất, nó nhấn mạnh đến một thực tế quan trọng là tất cả các kiểu cai trị nhất thiết liên quan đến sự thực hành quyền lực của chính quyền đối với người dân. Bản chất của cai trị là một nhóm tương đối lớn sẽ bị kiểm soát bởi một nhóm tương đối nhỏ, hoặc thậm chí bởi một người, và quan hệ này được tìm thấy ngay cả những nơi mà sự tự trị được cho là tồn tại. Trong thực tế, tất cả mọi sự tự trị có nghĩa là người dân có một số mức độ kiểm soát nhất định đối với việc lựa chọn những người cai trị họ, và do đó, gián tiếp kiểm soát đối với các chính sách được theo đuổi. Một sự ảnh hưởng trực tiếp hơn đối với chính sách được người dân thực hiện trong các cộng đồng nơi mà các vấn đề chính sách lớn được đưa ra trưng cầu ý dân; nhưng ngay cả khi điều này được thực hiện, vẫn luôn còn một phần lớn các vấn đề mà các quyết định về chính sách nằm trong trách nhiệm của chính quyền.
    Do vậy, ngoại trừ trong những quốc gia (như Thụy sĩ) nơi mà các cuộc trưng cầu ý dân được sử dụng như một bộ phận được thừa nhận bởi cơ chế cai trị, các chính quyền dân chủ hoàn toàn chịu trách nhiệm cho các chính sách bao lâu họ còn nắm quyền. Các chính quyền dân chủ chỉ khác với quyền tối cao của Hobbes là nó chịu các giới hạn áp đặt lên sự thực thi quyền lực của nó thông qua các nhiệm kì có giới hạn, và thông qua luật pháp, hay các thỏa ước về thể chế mà từ đó nó được hình thành.
    Thứ hai là, lý thuyết của Hobbes nhấn mạnh rằng trong các công quốc được hình thành từ sự thiết lập thì việc thiết lập chính quyền là một hành động tự nguyện của người dân. Chính quyền là cơ chế mà “con người, vốn xung đột, đồng thuận thành lập”. Như đã thấy trước đó, chỉ trong những hoàn cảnh đặc biệt mà công quốc được hình thành theo cách này; nhưng nếu “sự đồng thuận” mà Hobbes đề cập tới được hiểu như là một sự đồng thuận đang tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại mà không phải là một sự đồng thuận không thể bãi bỏ được, thì nó miêu tả chính xác nền tảng mà chính quyền dân chủ dựa trên. Có nghĩa là, trong một khoảng thời gian giới hạn, và theo cách hiểu là chính quyền phải tuân thủ một số sự giới hạn đối với sự tự do hành động của nó, hoặc từ luật pháp hoặc từ thỏa ước, nó sẽ có một số quyền lực thực để cai trị như nó muốn và được ủng hộ bởi đa số người dân. Nó không nhất thiết phải có được sự chấp nhận của mọi người, nhưng bao lâu nó không xúc phạm nghiêm trọng các cảm nhận hoặc các nguyên tắc của phần lớn người dân, nó sẽ tiếp tục nhận được sự chấp thuận phổ biến trên cơ sở là: sự tôn trọng cho một chính quyền trung ương là lợi ích chung của toàn thể cộng đồng, và chính quyền này được lựa chọn, và đang cai trị, theo các nguyên tắc được thừa nhận bởi hiến pháp.
    Áp dụng lý thuyết của Hobbes cho chính trị quốc tế
    Phân tích về chính quyền của Hobbes cực kì hợp lý khi áp dụng cho lĩnh vực quốc tế, vì về nguyên tắc, các điều kiện an ninh bên ngoài tương tự các điều kiện an ninh bên trong. Trong cả hai trường hợp, yêu cầu cơ bản là sự giảm bớt nguy cơ xung đột bắt nguồn từ việc tranh giành lợi ích. Trong lĩnh vực dân sự, Hobbes tin điều này có thể thực hiện được bằng cách chuyển giao quyền lực của cá nhân cho một cơ quan tối cao để bảo vệ lợi ích riêng của họ, và trong lĩnh vực quốc tế, nếu tất cả quyền lực được chuyển tới một cơ quan tối cao duy nhất, chiến tranh sẽ không thể xảy ra. Cho đến nay, điều này vẫn chưa thực hiện được, các quốc gia cá nhân vẫn tiếp tục duy trì sức mạnh quân sự để bảo vệ lợi ích của họ, và theo Hobbes, các quốc gia này vẫn sống trong “trạng thái tự nhiên”. Theo ông, sự kiện họ cam kết không chiến tranh với nhau trong các thỏa thuận hay hiệp ước dường như không đảm bảo cho hòa bình. Ông nói rằng “Các hiệp ước về hòa bình chỉ là lời nói, và không có gì để đảm bảo cả”; và không còn nghi ngờ gì nữa, hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỉ 20 là bằng chứng xác thực cho quan điểm này.
    Trong thế kỉ hiện tại (thế kỉ 20), các biện pháp quan trọng đã được thực hiện để thiết lập một tổ chức quốc tế nhằm ngăn chặn chiến tranh. Nhưng cả Hội liên quốc và Liên hợp quốc đều không tiếp quản quyền lực mà các các quốc gia sử dụng để bảo vệ lợi ích của họ. Đúng là các quốc gia thành viên của các tổ chức này có “nghĩa vụ đạo đức” không sử dụng sức mạnh quân sự ngoại trừ sự chấp thuận của tổ chức; nhưng Hobbes cho rằng, nếu “nghĩa vụ đạo đức” này không được củng cố bằng một cơ quan có chủ quyền quốc tế, thì sẽ không có bất cứ sự đảm về anh ninh quốc tế, và nó không xứng đáng với tên gọi luật pháp. Để đạt được sự đảm bảo an ninh thực sự ông nghĩ rằng cần phải có một sự chuyển giao thực sự quyền lực của các quốc gia tới một cơ quan quốc tế có thẩm quyền bằng thông qua việc bãi bỏ sức mạnh quân sự của tất cả các quốc gia (ngoại trừ sức mạnh đảm bảo an ninh nội địa) và bố trí thẩm quyền quốc tế về quân sự  đủ để làm cho các quyết định của nó hữu hiệu khi đối mặt với sự chống đối. Nói cách khác, ông muốn nói rằng các quốc gia phải đồng thuận trao quyền lực để bảo vệ lợi ích của họ tới cơ quan có thẩm quyền quốc tế, và chấp nhận cơ quan này như là nguồn gốc duy nhất ban bố luật pháp và đạo đức quốc tế.
    Từ phân tích của Hobbes, ta thấy các quốc gia sẽ không thực hiện việc chuyển giao quyền này cho đến khi họ thấy có lợi khi làm như vậy. Và cho đến giờ, họ không thực hiện biện pháp này vì họ không tin là một cơ quan có thẩm quyền quốc tế sẽ bảo vệ lợi ích của họ tốt hơn chính họ. Nhưng ngày nay ông phải thừa nhận những dấu hiệu về một sự thay đổi trong cách nhìn nhận đang diễn ra. Sự thành lập Liên hợp quốc với nhiều hoạt động của nó đã cho thấy tin cậy ngày càng gia tăng đối với một bộ phận các quốc gia có thủ quyền là các hành động của họ phải tuân theo các thỏa thuận quốc tế vì lợi ích của chính họ và các nước khác. Hội đồng châu Âu ủng hộ một sự giảm bớt chủ quyền quốc gia đối với các quốc gia Tây âu vì lợi ích chung và sức mạnh từ sự thống nhất của họ. Và nếu những kinh nghiệm này cho thấy rằng những sự phát triển này đóng góp đến lợi ích quốc gia, thì một sự sẵn sàng lớn hơn để trao quyền lực thực tới một cơ quan quốc tế có thể trở thành hiện thực. 
    Nhà nước duy lý
    Như đã thấy, lý thuyết chính trị của Hobbes không phải là trường hợp ngoại lệ đối với sự tổng quát hóa cho rằng: lý thuyết chính trị là một nỗ lực để biện minh cho một quan niệm nào đó về Nhà nước Lý tưởng. Tính độc đáo trong lý thuyết của Hobbes nằm ở việc định nghĩa sự “lý tưởng” trên phương một diện thuần túy phi đạo đức. Trong khi đa số các triết gia chính trị hiểu sự lý tưởng như là sự lý tưởng đạo đức, Hobbes hiểu nó như là sự lý tưởng duy lý, và xem Nhà nước Lý tưởng sẽ đạt được nếu con người phán đoán chính xác phương tiện hiệu quả nhất để đạt được ước muốn của họ. Theo Hobbes, mục đích của chính quyền không phải là tạo ra và duy trì mô hình nhà nước lý tưởng về mặt đạo đức nhưng là để đảm bảo các mong muốn cơ bản của người dân. Và mục đích chính của ông trong tác phẩm Leviathan là biện minh cho lý thuyết cho rằng: con người với bản chất như nó là, thì một chính phủ mạnh, với quyền tuyệt đối có được từ khế ước xã hội, sẽ mang lại sự đảm bảo tốt nhất cho hòa bình và an ninh, vốn được mong muốn hơn bất cứ thứ gì khác. Ông nhận thấy rằng, các nhà nước đang tồn tại không đạt được lý tưởng này, và ông quy điều này cho sự yếu kém về mặt trí tuệ, chứ không liên quan gì tới đạo đức.
    Do đó, lý thuyết chính trị của Hobbes là một lý thuyết công lợi, tách biệt với đạo đức; nó là một lý thuyết công lợi với dạng thức cơ bản và phi đạo đức được dùng để biện minh cho sự thành lập chính quyền trên cở sở lợi ích của nó, là hiện thực hóa các ước muốn của con người. Lý thuyết của ông không thừa nhận bất cứ tiêu chuẩn độc lập nào qua đó những ước muốn này có thể được tán thành hay bị chỉ trích.
    Dĩ nhiên, Hobbes phải giải thích cho các sự kiện kinh nghiệm viện dẫn tới đạo đức, và các mệnh đề chứa đựng các thuật ngữ đạo đức, như “đúng”, “phải”, và “tốt”, dùng để miêu tả những kinh nghiệm như vậy. Ông không phủ nhận rằng những thuật ngữ đạo đức này có một số ý nghĩa, điều mà ông phủ nhận đó là quan niện cho rằng chúng có ý nghĩa mà giao tiếp hàng ngày đề cập tới, tức là, chúng là những thuật ngữ chỉ những khái niệm độc nhất về một đặc điểm đặc biệt không thể định nghĩa trên ước muốn và lợi ích. Trái lại, Hobbes tin rằng chúng chỉ là những cái tên khác của những khái niệm có thể được miêu tả rõ ràng và ít mơ hồ hơn trên những phương diện này, tức trên ước muốn và lợi ích. Và ông cho rằng các sự kiện chính trị - cả các đặc trưng của một nhà nước thực tế và các lý tưởng được các đảng phải và chính trị gia theo đuổi – có thể giải thích đầy đủ dựa vào ước muốn và lợi ích. Theo ông, đó là lợi ích chứ không phải bổn phận, được dùng để giải thích cho sự phục tùng được thể hiện qua sự phục tùng đối với chủ quyền tối cao. Không có ý nghĩa đạo đức gì khi họ phải phục tùng thực thể nắm giữ quyền lực tối cao của họ, nhưng có một ý nghĩa duy lý trong đó họ phải làm vậy nếu họ muốn thụ hưởng an ninh và hòa bình.
    Chắc chắn, Hobbes có thể nghĩ rằng lịch sử chính trị trong ba thế kỉ qua xác nhận các phân tích của ông. Ông có thể chỉ ra trong yêu sách về giá trị đạo đức của chủ đất và các nhà sản xuất đối với sở hữu tư nhân, và trong yêu sách về giá trị đạo đức của tầng lớp lao động đối với bình đẳng xã hội, là ông chủ muốn lợi ích lớn hơn và công nhân muốn lương cao hơn; và chắc chắn ông có thể tuyên bố rằng các phân tích của ông về xã hội loài người dựa vào lợi ích sẽ được biện minh, và sự tốt đẹp là một cụm từ thanh tao diễn tả điều mà cá nhân hay tổ chức đòi hỏi mà thực ra chính là lợi ích của họ. 
    Dạng lý thuyết chính trị duy tự nhiên này tránh được những khó khăn chính mà một lý thuyết đạo đức gặp phải, cụ thể là, khó khăn của việc thiết lập tính đúng đắn của các mệnh đề đạo đức mà nó chấp nhận. Những khó khăn này xuất hiện bởi vì không có một sự đồng thuận về cơ sở của sự kiện đạo đức qua đó có thể đánh giá tính đúng sai của mệnh đề đạo đức. Mệnh đề đạo đức duy nhất có thể kiểm tra theo cách khoa học là mệnh đề miêu tả niềm tin đạo đức của mọi người – như các mệnh đề A tin X là đúng, hoặc B tin X là sai. Dạng mệnh đề này có thể kiểm tra hoặc bác bỏ - dựa vào giả định là con người miêu tả một cách chính xác niềm tin của họ về những vẫn đề như vậy – bằng những công cụ như một cuộc khảo sát hay bỏ phiếu trên bình diện xã hội. Nhưng sẽ là sai lầm khi suy ra từ mệnh đề “A tin X là tốt” thành mệnh đề “X là tốt”; hay, nói một cách tổng quát, suy ra niềm tin có một ý nghĩa khách quan.
    Mặt khác, lý thuyết của Hobbes hoàn toàn dựa trên cơ sở thực tế. Ông tuyên bố giải thích các sự kiện chính trị hoàn toàn dựa vào các ước muốn của con người, và các phương tiện đạt được chúng, mà không đề cập đến bất cứ tiêu chuẩn đạo đức độc lập. Do vậy lý thuyết của Hobbes là một sự thay thế quan trọng cho các Lý thuyết đạo đức mà hầu hết những người sau ông bảo vệ. Tầm quan trọng tiềm tàng của nó trở nên lớn hơn với sự suy giảm phổ biến của niềm tin đạo đức xảy ra trong thế kỉ này. Sự suy giảm này sẽ tiếp tục, các chuẩn mực đạo đức trở nên ít có khả năng làm nền tảng cho xã hội chính trị, và các nguyên tắc thay thế mà Hobbes phác thảo ra có thể được chấp nhận như là nền tảng thực sự.   
    Ngun: “An Introduction Political Philosophy”, Routledge Revivals
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org