Isaiah Berlin

Posted on
  • Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • SIR ISAIAH BERLIN (6/6/1909 – 5/11/1997), triết gia chính trị và sử gia về các ý tưởng, được coi là một trong những nhà tư tưởng tự do hàng đầu của thế kỷ XX. Ông sinh tại Riga (Latvia), lúc đó là một phần của Đế quốc Nga. Gia đình ông rời nước Nga đến nước Anh năm 1920. Ông học trường trung học St. Panl, và sau đó, nhờ có học bổng, ông theo học trường Cao đẳng Corpus Christi, Oxford. Là một sinh viên xuất sắc, ông lấy bằng thạc sĩ năm 1935. Trong thời gian đó, ông khởi nghiệp với tư cách giảng viên triết học ở New College, Oxford (1932 -38), nơi sau này ông trở thành ủy viên quản trị ( 1938 - 50). Ông trở thành chủ tịch sáng lập của Wolfson College, Oxford; từ 1957 đến 1967, là giáo sư môn lý thuyết xã hội và chính trị tại đại học Oxford. Ông được phong tước hầu năm 1957, được tặng thưởng Huân chương Công trạng năm 1971, và là chủ tịch Viện Hàn lâm Anh từ năm 1974 đến 1978.
    Sau Thế chiến II, Berlin chuyển sự quan tâm ban đầu với triết học phân tích sang các lĩnh vực của khoa học chính trị, lý thuyết chính trị và lịch sử trí thức.
    Triết học chính trị của Berlin thường đề cập đến vấn đề tự do và ý chí tự nguyện trong các xã hội ngày càng chuyên chế và máy móc. Tuy nhiên, có lẽ cuốn sách gây nhiều ảnh hưởng nhất của ông là Con nhím và con cáo (1953), trong đó ông chia các nhà tư tưởng của thế giới thành những người (những con nhím) - như Aristotle và Shakespeare - ''biết nhiều chuyện'', và những người những con cáo - như Plato và Dante – biết một chuyện vĩ đại''.
    TƯ TƯỞNG
    Ông được nhiều người trong giới ca ngợi về học thuyết đa nguyên khách quan triệt để của ông; những trước tác về tự do; sự sửa đổi, cải tiến và biện hộ của ông đối với chủ nghĩa tự do truyền thống chống lại các học thuyết toàn trị của thế kỷ XX (đặc biệt là học thuyết Marx - Lenin); và những khảo cứu xuất sắc và sáng tỏ của ông trong lịch sử ý tưởng từ Machiavelli và Vico đến Marx và Srel. Cùng với Austin, Ayer và nhiều người khác sáng lập nên triết học Oxford trong thập niên 1930, ông viết nhiều luận văn giá trị trong tinh thần chung của nó, nhưng do không chịu từ bỏ lối tiếp cận thực nghiệm của nó, ông dần dần trở nên bất đồng với những cái mà ông cho là những khuynh hướng giáo điều và phủ nhận chân lý của nó. Từ những năm 1950 trở đi, ông tập trung chủ yếu vào triết học xã hội và chính trị, và nghiên cứu những ý tưởng tổng quát.
    Hai đóng góp quan trọng nhất của ông là Tất yếu lịch sử (1954) và bài khai giảng khóa với tư cách là giáo sư lý thuyết xã hội và chính trị tại Oxford, Hai ý niệm về tự do. Tác phẩm Tất yếu lịch sử là sự công kích can đảm và kiên quyết vào thuyết tất định lịch sử cùng thuyết tương đối và thuyết chủ quan đạo đức, đồng thời chứng thực vai trò của ý chí tự do và trách nhiệm trong lịch sử con người. Ông tập trung vào cuộc tranh luận trong triết học lịch sử. Trong ngôn ngữ của Berlin, sự chọn lựa là người ta có tin rằng, ''cuộc sống của toàn thể các dân tộc và các xã hội đã chịu ảnh hưởng quyết định bởi những cá nhân ngoại hạng'' không, hay, đúng hơn, rằng, bất cứ cái gì xảy ra như hệ quả của những lực lượng vô ngã (impersonal forces) không biết tới những ý định nhân văn.
    Hai ý niệm về tự do chứa đựng nỗ lực to lớn của Berlin nhằm phân biệt rõ tự do ''tiêu cực'' và tự do ''tích cực''. Tự do tiêu cực, được các nhà tư tưởng như J. S. Mill, Constant, và trên tất cả là Herzen báo trước, hệ tại ở việc đưa ra những giả định tối thiểu về bản chất và những nhu cầu tối hậu của chủ thể, ở việc bảo đảm một mức độ tối thiểu sự can thiệp ngoại tại bởi uy quyền của bất kỳ nguồn gốc nào, và ở việc để cho sự chọn lựa cá nhân rộng mở và phù hợp với mức độ tối thiểu của tổ chức và trật tự xã hội. Tự do tích cực, gắn với các nhà tư tưởng nhất nguyên và ý chí luận, nhất là Hegel, các nhà duy tâm Đức, bắt đầu với ý niệm tự chủ và tiếp tục với những giả định siêu hình học giáo điều và rộng khắp về bản chất của chủ thể. Rồi nó diễn dịch từ những con đường đúng đắn đến tự do này, và sau cùng, tìm cách đẩy những cá nhân bằng xương bằng thịt dấn thân vào những con đường định trước đó, dù họ muốn hay không muốn, trong khuôn khổ của một nhà nước tập trung chặt chẽ dưới sự thống trị không thể chống lại của các chuyên gia lý tính, từ đó xuyên tạc những gì khởi đầu là lý tưởng chính đáng của con người, ví dụ, sự tự định hướng và tự chủ tích cực, thành chính thể chuyên chế. Hai ý niệm về tự do cũng bắt đầu đưa tự do trong cả hai nghĩa trên ra khỏi những giới hạn khác, như sự khao khát được công nhận, nhu cầu sở hữu, hoặc tình đoàn kết nhân loại, tình huynh đệ, hoặc sự bình đẳng.
    Trong Hai ý niệm về tự do, ông định nghĩa tự do tiêu cực là sự vắng mặt của những câu thúc đối với, hay sự can thiệp vào, hành vi khả thể của các tác nhân. Tôi “tự do tiêu cực'' nhiều hơn khi nào hành động khả thể có ít cơ hội bị tước đoạt hay bị can thiệp. Ông liên kết tự do tích cực với ý tưởng tự chủ, hoặc khả năng tự quyết, để kiểm soát số phận của mình. Mặc dù Berlin cho rằng, cả hai ý niệm tự do tượng trưng cho những lý tưởng của con người, ông vẫn cho rằng, về vấn đề lịch sử, ý niệm tự do tích cực đã chứng tỏ dễ bị lạm dụng chính trị hơn. Ông lập luận rằng, dưới ảnh hưởng Rousseau, Kant và Hegel tất cả đều trung thành với ý niệm tự do tích cực, các nhà tư tưởng chính trị châu Âu thường bị quyến rũ đánh đồng tự do với những hình thức kỷ luật hay câu thúc chính trị. Điều này trở nên nguy hiểm về mặt chính trị khi những lý tưởng xác đáng về tự do tích cực, trong dòng chảy của thế kỷ XIX, dược dùng để biện hộ cho những lý tưởng tự quyết dân tộc, những mệnh lệnh của chế độ tự quản dân chủ, và ý niệm cộng sản về nhân loại khẳng định sự kiểm soát đối với số phận của từng người. Theo lối suy nghĩ này, Berlin khẳng định, những đòi hỏi tự do, thật ngược đời, trở thành những yêu sách về các hình thức kiểm soát và kỷ luật tập thể - những hình thức cần cho ''sự tự chủ'' hay tự quyết của các dân tộc, các giai cấp, các cộng đồng dân chủ, và có thể của nhân loại nói chung. Do vậy, đối với Berlin sự gần gũi giữa tự do tích cực và chủ ngữ toàn trị. Ngược lại, tự do tiêu cực tiêu biểu cho sự nhận thức an toàn hơn, rộng rãi hơn về tự do theo cách diễn đạt của Berlin.
    Triết lý của Berlin về lịch sử các ý tưởng trong tác phẩm Vico và Herder (1976). Nó trình bày sự xuất hiện của cái mà chủ nghĩa duy sử và chủ nghĩa đa nguyên đã lay động niềm tin duy lý nhất nguyên hai ngàn năm vào một khối chân lý thống nhất liên quan tới tất cả vấn đề về sự kiện và nguyên lý trong mọi lĩnh vực của tri thức con người. Từ cuộc lật đổ tri thức sâu xa này, Berlin lần theo, trong một loạt khảo luận như Ngược dòng (1979),Thanh gỗ cong của con người (1990) và Cảm thức thực tại (1996), sự phát triển của một số phong trào trí thức chủ yếu đánh dấu kỷ nguyên chúng ta, bao gồm chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phát xít, thuyết tương dối, thuyết chủ quan, chủ nghĩa hư vô, ý chí luận và chủ nghĩa hiện sinh. Ông cũng trình bày một cách thuyết phục và sáng sủa chủ nghĩa đa nguyên khách quan kỳ lạ mà ông nhận diện và biến thành của riêng ông. Có một đa số không thể giảm bớt những giá trị khách quan của con người, nhiều giá trị trong đó không tương thích với nhau; vì thế thiết yếu cần có những chọn lựa tuyệt đối bởi những cá nhân và những hội đoàn, một nhu cầu trao giá trị tối cao cho, và hình thành một trong những sự biện hộ chính cho, khái niệm của ông về tự do tiêu cực; cũng vì thế, ông khẳng định rằng, xã hội không tưởng, nghĩa là một thế giới ở đó mọi cứu cánh hợp lý của con người và những giá trị khách quan được thực hiện cùng một lúc trong hợp đề tối hậu, là sự bất khả về mặt ý niệm.
    Berlin cũng được nhiều người biết đến vì những trước tác về lịch sử trí thức Nga, đa số được tuyển chọn lại trong Các nhà tư tưởng Nga (1978); tác phẩm này, như hầu hết tác phẩm của Berlin, được Henry Hardy hiệu đính. Mặc dù bản thân ông không sáng lập nên trường phái hay phong trào nào, ảnh hưởng của Berlin như một triết gia và như một con người rất to lớn, đặc biệt đối với nhiều nhà tư tưởng kiệt xuất như Stuart Hamsphire, Charles Taylor, Bernard Willia, Richard Woltheim, Gerry Cohen, Steven Lukes, David Pears và nhiều người khác. Tác dộng chung về mặt trí thức và đạo đức của ông với cuộc sống thế kỷ XX như một tác gia, nhà ngoại giao, người bảo trợ về âm nhạc và hội họa, chính khách hàn lâm quốc tế, người bạn được yêu mến và tin cậy của những người vĩ đại và những kẻ tầm thường, nhà thuyết trình, người đối thoại chói sáng, người dẫn dắt các ý tưởng, sẽ là nguồn cung cấp chất liệu vô tận cho các sử gia tương lai.
    NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH
    The Hedgehog and the Fox (1953; Con nhím và con cáo)
    Historical Inevitability (1954; Tất yếu lịch sử)
    Two concepts of Liberty (1958; Hai ý niệm về tự do)
    Vico và Herder (1976)
    Against the Current (1979; Ngược dòng)
    The Crooked Timber of Humanity (1990; Thanh gỗ cong của con người)
    The Sense of Reality (1996; Cảm thức thực tại)
    Nguồn: 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org