CHỦ NGHĨA TỰ DO

Posted on
  • Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: , ,
  • Minh Minh dịch
    Chủ nghĩa tự do là một thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng Latin liber, có nghĩa là tự do. Chủ nghĩa tự do ủng hộ sự tự do cá nhân. Nguồn gốc lý thuyết của chủ nghĩa tự do có thể được tìm thấy trong các tác phẩm ở thế kỉ 17 của John Locke và các tác phẩm ở thế kỉ 18 của Adam Smith. Những nhà tự do thời kì này được gọi là các nhà tự do cổ điển. Trong thế kỉ 19, chủ nghĩa tự do được các nhà tư tưởng như T.H. Green và Jane Addams biến đổi. Và dạng sau đó của chủ nghĩa tự do được gọi là chủ nghĩa tự do hiện đại.

    CHỦ NGHĨA TỰ DO CỔ ĐIỂN
    John Locke (1632 -1704) là triết gia người Anh, và thường được coi là người sáng tạo nên chủ nghĩa tự do. Locke sống trong một giai đoạn bất ổn chính trị. Trong cuộc đời của ông, một ông vua đã bị xử tử và thể chế quân chủ chuyên chế lần lượt bị bãi bỏ, phục hồi, và bị giới hạn quyền lực. Dù sự rối loạn chính trị này, đời sống cá nhân của Locke vẫn đạt được nhiều thành tựu. Ông tốt nghiệp từ Oxford vào năm 1656, dạy triết học, và xuất bản một số tác phẩm về triết học, chính trị học, tôn giáo, và giáo dục. 
    Trong tác phẩm Hai khảo luận về chính quyền, Locke lập luận ủng hộ một chính quyền với quyền lực bị giới hạn và bảo vệ các quyền cá nhân. Ông xây dựng nền tảng logic cho cả hai luận điểm trên thông qua việc thảo luận sâu rộng về bản chất con người, trạng thái tự nhiên, luật tự nhiên, và nguồn gốc của nhà nước. Sự thảo luận của Locke về những chủ đề này lên đến cực điểm của nó trong sự bác bỏ của ông đối với lý thuyết chính trị của tác giả người Anh Robert Filmer (1588–1653), một nhà tác giả rất nổi tiếng, vốn ủng hộ một học thuyết về thẩm quyền thần thánh của vua chúa. Theo Filmer, Thượng đế ban cho vua chúa thẩm quyền tuyệt đối đối với các công dân. Vì vậy, các công dân sinh ra trong sự lệ thuộc vào vua chúa, và có bổn phận trở thành các thần dân trung thành. Trái lại, Locke tin rằng con người tạo ra chính quyền thông qua sự đồng thuận tự do, và chính quyền này phải phục vụ các công dân, không được bắt họ ở trong tình trạng lệ thuộc.
    Locke bắt đầu lý thuyết tự do của mình bằng cách khảo sát về trạng thái tự nhiên. Trạng thái tự nhiên là giai đoạn trước khi có sự tồn tại chính quyền. Đó là một thời điểm trong lịch sử của con người khi người phụ nữ và đàn ông sống trong các nhóm và cộng đồng nhỏ, và đối với Locke đó là một giai đoạn cho ta thấy nhiều thứ về lịch sử của con người. Vậy trạng thái tự nhiên có điều gì quan trọng? Các cá nhân sống trong trạng thái tự nhiên này không bị ảnh hưởng hay bị định hình bởi luật pháp hay các sắc lệnh chính trị bởi vì chính quyền lúc này chưa tồn tại. Kết quả, Locke khẳng định, chúng ta có thể nhìn vào các cá nhân sống trong trạng thái tự nhiên này để hiểu con người như thế nào.
    Theo Locke, điều mà chúng ta học được từ một sự nghiên cứu về trạng thái tự nhiên như vậy là: bản chất con người là tự do, bình đẳng, và duy lý. Con người vốn dĩ tự do, sinh ra với bổn phận không tuân phục bất cứ ai. Nghĩa là, trong trạng thái tự nhiên không có những người cai trị tự nhiên mà chúng ta phải tuân theo. Trái lại, theo Locke, mỗi người vốn dĩ bình đẳng với nhau. Mỗi người sinh ra với sự tự do như nhau và sở hữu như nhau một số quyền tự nhiên nào đó (các quyền tự nhiên là các quyền mà chúng ta có chỉ vì chúng ta là con người). Những quyền này là một bộ phận của bản chất con người tự nhiên của chúng ta. Locke tin rằng các quyền tự nhiên của chúng ta bao gồm quyền sống, quyền tự do, và quyền tư hữu. Vì mỗi chúng ta là những con người bình đẳng, nên mỗi chúng ta có một quyền tương đương để thụ hưởng đối với những quyền này một cách tự do.
    “Chủ nghĩa tự do cổ điển dạy rằng:
    ·       Cá nhân quan trọng hơn nhà nước và trở thành công dân của nhà nước chỉ thông qua sự đồng thuận
    ·       Cá nhân là duy lý và có khả năng đưa ra các quyết định của riêng mình; điều này làm cho cá nhân có khả năng tự trị và tự quản.
    ·       Sự tiến bộ là có thể đạt được trong các vấn đề chính trị, vì vậy không cần phải sợ hãi sự thay đổi
    ·       Quyền lực nhà nước phải bị giới hạn
    ·       Sự bất bình đẳng kinh tế không nhất thiết là điều xấu xa
    ·       Sự tự do trong lĩnh vực kinh tế (sự tự do của cá nhân để đưa ra các lựa chọn liên quan đến kinh tế) là quan trọng hơn sự bình đẳng
    Chủ nghĩa tự do hiện đại dạy rằng:
    ·       Sự can thiệp của chính phủ vào đời sống cá nhân và xã hội đôi khi là cần thiết để ngăn chặn một số cá nhân khỏi phủ nhận sự tự do của các cá nhân khác
    ·       Tự do cần được hiểu theo nghĩa rộng, tích cực: như là sự tự do để tìm ra cách phát triển các tiềm năng mình và đóng góp cho xã hội theo cách có ý nghĩa
    ·       Sự bất bình đẳng kinh tế cần được lưu ý với sự ngờ vực, như là một điều kiện mà có khả năng làm xói mòn sự thịnh vượng của những ai có thu nhập thấp và do đó xói mòn cơ hội để trở nên tự do (tự do theo nghĩa rộng)”
    Như chúng ta có thể thấy, các khái niệm về bình đẳng tự nhiên, quyền tự nhiên, và sự tự do tự nhiên được nối kết logic vào trong lý thuyết của Locke. Những ý tưởng này cũng có quan hệ gần gũi với khái niệm của Locke về lý tính tự nhiên. Con người sở hữu một khả năng tự nhiên để lập luận và có thể sử dụng sự lập luận này để rút ra một tập hợp các tiêu chuẩn đạo đức mà nhờ đó chúng ta có thể sống cùng nhau. Locke gọi những nguyên tắc đạo đức này là luật tự nhiên. Chú ý logic thuật ngữ của ông. Ông nói với chúng ta rằng lý tính có gốc rễ trong bản chất của con người; do đó, điều gì có thể được suy ra bởi lý tính thì có tính tự nhiên. Luật tự nhiên là một bộ luật chung, và đúng đắn hiển nhiên với những con người duy lý. Locke xác định ba luật tự nhiên:  
    ·       Bảo tồn chính mình. Chăm sóc cho chính mình và các nhu cầu của mình. Lao động để thúc đẩy sự sinh tồn của mình.
    ·       Không làm hại đến người khác. Không tìm kiếm khó khăn bằng cách gây ra xung đột và chiến tranh. Nếu tìm cách gây hại cho người khác, thì điều này sẽ đặt mình vào rủi ro bị làm hại, và sẽ vi phạm luật tự nhiên thứ nhất.
    ·       Giúp đỡ người khác nếu có thể. Giúp đỡ người khác nếu bạn có thể giúp mà không khiến mình gặp nguy hiểm.
    Theo Locke, những luật này là hiển nhiên đúng đối với bất cứ ai biết suy nghĩ. Vì hoàn toàn hợp lý khi chăm sóc cho chính mình, tránh gây ra những hoàn cảnh nguy hiểm mà bạn có thể mất mạng, và giúp đỡ người khác, vì những người mà sau đó có thể nhớ đến hành động tốt đẹp của bạn và giúp bạn. Thông qua sự thảo luận của mình về luật tự nhiên, Locke đi đến một kết luận rất quan trọng: Con người có khả năng điều hành cuộc sống của riêng mình bởi vì họ có lương tri. Và chính quyền không làm cho con người trở nên duy lý, cũng như không làm cho con người cố kết với nhau.
    Từ trong cấu tạo tự nhiên của mình, con người có khả năng để tồn tại một cách duy lý. Chính quyền được hình thành bởi vì con người duy lý thấy rằng nó hữu ích. Trong trạng thái tự nhiên, một số rắc rối có thể xuất hiện. Các cá nhân theo đuổi sự bảo tồn và lợi ích của mình (nhất quán với luật tự nhiên thứ nhất) có thể hành động để tự vệ ở một thời điểm nào đó. Trong tranh cãi, các cá nhân có xu hướng thiên vị cho mình. Thiên hướng này làm cho việc giải tranh cãi trở nên khó khăn, vì nó không đảm bảo sự công bằng cho tất cả các bên. Ngoài ra, một cá nhân nào đó có thể hành động trái với lý tính. Thỉnh thoảng, một cá nhân nào đó có thể vi phạm luật tự nhiên. Lý thuyết của Locke, khi nhấn mạnh rằng lý tính là một phần trong chính bản chất của con người, gợi ý rằng các hành động phi lí tính như vậy không thể xảy ra quá thường xuyên để trở thành một thói quen, những ngay cả khi không thường xuyên, thì các hành động phi lí tính đó cũng gây ra những vấn đề nghiêm trọng.
    Nếu ai đó vi phạm luật tự nhiên – chẳng hạn, nếu ai đó ăn trộm tài sản của người khác – trong trạng thái tự nhiên, chính các cá nhân phải là người củng cố luật tự nhiên. Trong trường hợp của tên trộm, các cá nhân phải tìm thấy tên trộm, và phán xử đối với hành vi của tên trộm, và sau đó thực thi luật tự nhiên để làm nản lòng những kẻ trộm cắp trong tương lai. Nhiệm vụ này nặng lề và tốn nhiều thời gian. Liệu có dễ chịu hơn khi được giải phóng khỏi những điều bất tiện này? Liệu có dễ chịu hơn khi trao cho ai đó nhiệm vụ củng cố luật tự nhiên để cho những ai tuân theo luật tự nhiên không cần thực hiện việc củng cố nó? Ước muốn cho một sự dàn xếp tiện lợi như vậy là động cơ tạo ra chính quyền. Chính quyền có thể làm công việc lập pháp, phán xét, và củng cố các luật lệ phù hợp với luật tự nhiên. Chính quyền được tạo ra khi cá nhân đi đến hợp quần và đưa ra một sự đồng thuận rõ ràng, trực tiếp để hình thành nhà nước. Chỉ những ai đưa ra một sự đồng thuận trực tiếp đối với nhà nước mới được coi là công dân của nhà nước. Nghĩa là, không ai bị buộc phải rời khỏi trạng thái tự nhiên, vì vậy không ai bị vi phạm sự tự do tự nhiên. Locke giải thích, khi tạo một nhà nước như vậy, các công dân trao quyền lực của nó, nhưng chỉ một quyền lực giới hạn. Nhà nước có những nhiệm vụ giới hạn như ban hành luật, củng cố luật tự nhiên. Bằng cách này, các quyền tự nhiên được bảo vệ và có sự đảm bảo lớn hơn do sự tồn tại của một thiết chế (nhà nước) với các trách nhiệm cụ thể khi ban hành và củng cố luật để bảo vệ cuộc sống, sự tự do, và tài sản. Nếu nhà nước đi ra ngoài phạm vi quyền lực của mình, thì nó vi phạm những quyền này. Locke gọi những nhà nước như vậy là chuyên chế, độc tài, và bất hợp pháp. Sau cùng, một nhà nước như vậy đang tuyên chiến chống lại lý tính và luật tự nhiên. Nhà nước đó đã đánh mất tính liêm chính của nó và không còn đáng để tuân theo.
    Trong sự thảo luận này, Locke đã tạo ra một vài quan điểm nằm ở trong tâm của chủ nghĩa tự do cổ điển. Thứ nhất, ông đã thiết lập rằng cá nhân quan trọng hơn nhà nước. Cá nhân là chủ thể sáng tạo nên nhà nước và thẩm quyền của nhà nước. Nếu không có sự đồng thuận công khai của các cá nhân, nhà nước không thể tồn tại. Thứ hai, Locke đã kết luận rằng cá nhân có khả năng độc lập và tự quyết. Tự do là tự bản chất. Tự kiểm soát và tự hướng dẫn là điều tự nhiên đối với con người bởi vì họ có thể hiểu các luật tự nhiên. Con người có khả năng tự mình đưa ra các quyết định và sống cuộc sống mà mình muốn và hầu hết mọi người có thể thực hiện như vậy mà không gây hại cho người khác. Thứ ba, Locke đã thiết lập một cơ sở ý thức hệ cho niềm tin vào sự tiến bộ của con người. Bởi vì con người là duy lý, nên họ có thể thực hiện những điều tích cực để cải biến xã hội. Sự thay đổi không phải là nỗi sợ hãi vì con người duy lý có thể hướng dẫn và hướng cho sự thay đổi theo cách mà thúc đẩy sự thịnh vượng. Thứ tư, logic của lý thuyết của Locke đề nghị rằng quyền lực nhà nước phải bị giới hạn. Nhà nước làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tiện lợi hơn bởi vì nó đã gánh trên vai trách nhiệm củng cố luật tự nhiên. Sự củng cố này đề nghị sự bảo vệ đối với chúng ta khi chúng ta thụ hưởng các quyền tự nhiên của mình. Tuy nhiên, nhà nước không tồn tại để bắt chúng ta trở nên đạo đức, duy lý, hay nói cho chúng ta biết chúng ta phải sống thế nào. Mỗi cá nhân, bao lâu anh ta không vi phạm các luật tự nhiên, được toàn quyền quyết định nên như thế nào để thụ hưởng tốt nhất sự tự do tự nhiên của anh ta. Do đó, với việc đề cập đến các cuộc tranh luận được thảo luận ở Chương 4, các nhà tự do cổ điển như Locke đứng về phía Madison đối lập với Machiaville về vấn đề về quyền lực của nhà nước và về phía Mill đối lập với những người theo thuyết nền tảng đối với vấn đề liên quan đến đạo đức và chính trị.
    Chủ nghĩa tự do cổ điển được phát triển một cách chi tiết bởi Adam Smith (1723–1790). Smith là triết gia đạo đức người Scotland, trong đó các tác phẩm kinh tế của ông đề nghị một sự biện minh cho cả chủ nghĩa tự do cổ điển và chủ nghĩa tư bản. Thực vậy, trong lý thuyết của Smith, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản cùng nhau củng cố các dàn xếp [thỏa thuận] xã hội. Chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản cùng chia sẻ một cơ sở khái niệm – cả hai được hình thành trên giả thiết về tính duy lý của cá nhân. Theo Smith, các cá nhân theo đuổi lợi ích một cách duy lý. Ví dụ, về phương diện kinh tế, các cá nhân tìm cách thỏa mãn các nhu cầu của mình thông qua sự trao đổi tài sản (tiền, hàng hóa, dịch vụ), và mỗi bên trong cuộc trao đổi tìm cách để cải thiện cho tình trạng của mình tốt hơn. Nếu A muốn đối tượng X và có thể đạt được X theo các điều khoản thuận lợi hơn từ B so với từ C, thì tính duy lý tư lợi của A sẽ thúc đẩy A trao đổi với B. Vì vậy, B được hưởng lợi, còn C thì được khuyến khích để cải thiện sảm phẩm của mình để thu được lợi trong một giao dịch khác trong tương lai. Chủ nghĩa tư bản – một sự dàn xếp [thỏa thuận] kinh tế trong đó cá nhân trao đổi các tài sản tư nhân theo tính toán tư lợi của họ mà không có sự can thiệp của nhà nước – được bảo chữa, và ủng hộ bởi Smith.
    Khi xét song song với Locke. Ta thấy, cả hai tác giả cho rằng cá nhân đủ duy lý để quyết định điều gì tốt nhất cho chính họ. Như từ ví dụ trước: A có thể chỉ ra làm thể nào để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của mình – giao dịch với B, mà không với C. Chính quyền không cần hướng dẫn A đưa ra quyết định đó. Các cá nhân tự mình biết phải sống như thế nào cho tốt. Tóm lại, cả Smith và Locke đồng ý rằng bởi vì cá nhân là rất duy lý, nên các chính quyền với sự can thiệp sâu rộng là không cần thiết. Theo Smith, vai trò của nhà nước cần phải bị giới hạn trong phạm vi cung cấp an ninh và các dịch vụ công như đường xá, trường học.
    Theo chủ nghĩa tự do cổ điển, sự bình đẳng tự nhiên không dẫn đến sự bình đẳng kinh tế. Dù Locke và Smith cho rằng cá nhân vốn dĩ là bình đẳng (nghĩa là, khi các cá nhân sinh ra không ai có bất cứ thẩm quyền chính trị tự nhiên nào đối với người khác), nhưng họ kết luận rằng các cá nhân sống trong xã hội sẽ bị phân chia vào các tầng lớp khác nhau. Locke khẳng định rằng sự phân chia thành các tầng lớp kinh tế giàu và nghèo sẽ xuất hiện khi kinh tế phát triển. Locke quy sự phân chia tầng lớp này cho việc sử dụng tiền. Ông phác thảo lập luận của mình bằng cách giải thích rằng trong giai đoạn đầu của sự phát triển kinh tế trong bất cứ nước nào, các cá nhân có xu hướng trao đổi các vật dễ bị hư hỏng. Ví dụ, người ta trao đối các quả táo lấy các hạt đậu. Bởi vì các vật này dễ bị hư hỏng, nên sự tích trữ chúng là rất khó. Kết quả, sự sở hữu của con người vẫn con tương đối bình đẳng vì không ai có thể tích trữ quá nhiều so với người khác. Tuy nhiên với sự phát triển của kinh tế, xã hội bắt đầu sử dụng tiền như là phương tiên trao đổi. Tiền không bị hư hỏng và có thể tích trữ. Một số cá nhân có thể hi vọng tận dụng sự thuận lợi của tiền và bắt đầu tích trữ ngày càng tăng. Bằng cách này, sự phân chia tầng lớp giàu nghèo xuất hiện.
    Theo Locke, sự xuất hiện này của sự bất bình đẳng kinh tế không phải là bất công hay làm cho xã hội trở nên bất hợp pháp. Tại sao? Bởi vì với việc sử dụng tiền, các cá nhân ngấm ngầm rằng họ sẵn lòng đồng thuận với các hệ quả của nó. Sự bất bình đẳng kinh tế được đồng thuận bởi các cá nhân duy lý, những người mà Locke thấy là hoàn toàn có khả năng tự quyết định khi quản lý cuộc sống của mình như thế nào. Chú ý một điều rất quan trọng trong lý thuyết của Locke: logic được sử dụng để biện minh cho một chính quyền giới hạn cũng được sử dụng để biện minh cho sự bất bình đẳng kinh tế - cụ thể, ý tưởng cho rằng cá nhân là người biết tốt nhất, và vì vậy cá nhân phải được tự do để đưa ra các quyết định của mình. Nếu các cá nhân đồng thuận có một sự bất bình đẳng kinh tế trong cộng đồng của họ, thì như vậy là hợp pháp.
    Smith cũng cho rằng sự bình đẳng tự nhiên là không đủ để tạo ra sự bình đẳng kinh tế. Ông chỉ ra rằng, khi sinh ra, đứa trẻ về cơ bản là bình đẳng về các khả năng tự nhiên. Tuy nhiên, khi đứa trẻ lớn nên, chúng đi vào các thế giới khác nhau. Một số theo đuổi nghề việc học hành, một số khác thì không. Kết quả, khi là người trưởng thành, chúng nhận được các đền đáp khác nhau theo công sức mà chúng bỏ ra. Bác sĩ thì kiếm được nhiều hơn những người lao động không có kĩ năng. Giống như Locke, Smith chấp nhận sự bất bình đẳng kinh tế.
    Locke và Smith đi đên một số kết luận quan trọng, vốn được coi là những nguyên lý nền tảng của cách tiếp cận của chủ nghĩa tự do cổ điển đối với chính sách kinh tế. Thứ nhất, bất bình đẳng kinh tế không nhất thiết là không công bằng. Bất bình đẳng kinh tế không vi phạm sự bình đẳng tự nhiên. Thay vào đó, nó bắt nguồn từ các lựa chọn tự do được các cá nhân duy lý đưa ra. Thứ hai, không được hi sinh sự tự do cá nhân để tạo ra sự bình đẳng về kinh tế. Nhà nước không xâm phạm vào các giao dịch kinh tế giữa các cá nhân. Nhà nước không được trở nên “chuyên chế” để mang lại cho mọi người sự bình đẳng về thu nhập. Trong nhiều năm, chủ nghĩa tự do cổ điển hấp dẫn đối với nhiều người, những người sử dụng các luận điểm của nó để ủng hộ việc giữ một chính quyền nhỏ và giới hạn. Chủ nghĩa tự do cổ điển được ca ngợi bởi nhiều người vì nó củng cố sự tự do cá nhân và sự tự do lựa chọn trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Tuy nhiên một số nhà tư tưởng thấy trong chủ nghĩa tự do cổ điển một số khuyết điểm to lớn – thậm chí xấu xa. Họ hỏi, liệu chủ nghĩa tự do cổ điển quá dung túng cho sự bất bình đẳng kinh tế hay không? Mối quan tâm của chủ nghĩa tự do cổ điển đối với sự giới hạn quyền lực của nhà nước khiến nó trở thành một ý thức hệ thờ ơ đối với các vấn đề công bằng xã hội? Các câu hỏi như trên dẫn đên sự bất đồng giữa các nhà tự do. Từ sự tranh luận này mà chủ nghĩa tự do hiện đại ra đời.
    CHỦ NGHĨA TỰ DO HIỆN ĐẠI
    Triết gia người Anh T. H. Green (1836–1882) là người ủng hộ cho chủ nghĩa tự do hiện đại. Các nhà tự do hiện đại đưa ra những sự xét lại theo sau đối với lý thuyết tự do: Họ ủng hộ sự can thiệp của nhà nước và một cách hiểu về tự do rộng mở hơn [tự do rộng]. Nhà nước thể hiện vai trò của nó trong việc điều tiết kinh tế và các tương tác xã hội. Sự tự do hiểu theo nghĩa rộng là mục đích mà các chính quyền theo đuổi. Green biện minh cho dạng chủ nghĩa tự do xét lại này bằng cách chỉ ra điều mà ông xem là không thể chấp nhận được của chủ nghĩa tự do cổ điển. Ông viết, chủ nghĩa tự do cổ điển xem tự do như là tự do khỏi sự can thiệp của nhà nước. Vì vậy, ai đó tự do, như các nhà tự do hiểu, nếu anh ta không bị can thiệp bởi nhà nươc.
    Đối với Green, đinh nghĩa này về tự do quá hẹp [tự do hẹp]. Ông thích một định nghĩa về tự do rộng mở hơn. Sự tự do của Green là tự do để mở rộng các ranh giới tiềm năng của con người và từ đó tạo ra các đóng góp tích cực cho xã hội. Chủ nghĩa tự do hiện đại định nghĩa tự do như là tối đa hóa tiềm năng của cá nhân và sử dụng tiềm năng đó để có thể trở thành một thành viên hữu ích cho xã hội. Đó là sự tự do liên quan đến việc sống một cách hoàn thiện và tích cực, sử dụng tài năng và phát huy các tiềm năng của mình. Hãy lấy một ví dụ, giả sử có một người tên là Mary Smith. Giả sử cô ấy đang thất nghiệp và sống vô gia cư. Cô ấy tự do đưa ra các quyết định cá nhân liên quan đến nơi mà cố ấy tìm việc, nghề mà cố ấy muốn, và thời gian mà cố ấy dùng để tìm kiếm việc. Dĩ nhiên, cô ấy cũng tự do đưa ra các quyết định về các vấn đề thuộc ý thức cá nhân như – có tin thượng đế hay không, có ủng hộ hình phạt tử hình hay không, và vv. Dù cô ấy có sự tự do tư tưởng và tự do ý kiến, nhưng ta thấy rằng, cố ấy bị làm cho nản chí vì sự nghèo đói của mình và cảm thấy mình là kẻ thất bại và vô hi vọng.
    Liệu Mary Smith có tự do? Từ quan điểm của chủ nghĩa tự do cổ điển, thì bởi vì cô ấy không bị chính quyền can thiệp vào các lựa chọn của mình, nên có thể nói rằng cô ấy tự do. Cố ấy không hạnh phúc, nhưng cô ấy tự do, và các nhà tự do cổ điển hi vọng cô ấy sử dụng sự duy lý của mình để tìm kiếm một con đường ra khỏi tình trạng thất vọng, không hành phúc hiện tại này. Tuy nhiên, từ quan điểm của Green, Mary Smith không tự do. Tiềm năng của cô ấy để tham dự như là một thành viên hữu ích cho xã hội bị lãng phí. Cuộc sống của cố ấy sẽ như thế nào, điều đó phụ thuộc vào cách hiểu về tự do của chúng ta. Nếu chúng ta đi từ định nghĩa của chủ nghĩa tự do cổ điển đến định nghĩa của chủ nghĩa tự do hiện đại, thì Mary Smith bị biến từ một người tự do thành một người không tự do.
    Green cho rằng sự can thiệp của nhà nước là cần thiết để thúc đẩy sự tự do mới này, mà thường được gọi là “tự do tích cực”. Nhà nước không nên chỉ bị giới hạn tới việc bảo vệ chủ nghĩa cá nhân (Locke và Smith là sai lầm) nhưng nên can thiệp vào xã hội nhân danh những người mà sự tự do tích cực của họ bị vi phạm. Các nhà tự do hiện đại như Green ủng hộ hành động của chính phủ giúp đỡ những người thiếu nguồn lực cần thiết để phát triển các tiềm năng của mình. Các nhà tự do hiện đại cũng kêu gọi sự giúp đỡ của chính phủ cho những người lao động, những người không thể đòi hỏi các ông chủ cung cấp điều kiện làm việc an toàn hơn và cũng như tăng lương cho họ, và đề nghị rằng luật pháp cần được ban hành để điều chỉnh thời gian làm việc, và thúc đẩy hơn nữa ý tế cộng đồng. Liệu những luật như vậy có can thiệp vào sự tự do tiêu cực hay không? Green khẳng định là có. Đó là công việc của chính quyền để can thiệp vào xã hội và giới hạn sự tự do [tiêu cực] của người này nếu người đó thi hành các hành động mà phủ nhận cơ hội theo đuổi sự hiện thực hóa đầy đủ các tiềm năng con người của người khác [tự do tích cực].
    Lý thuyết của Green cung cấp cho ta một cái nhìn sâu sắc vào logic của ý thức hệ tự do hiện đại. Thứ nhất, chúng ta có thể thấy từ các tác phẩm của Green là: các nhà tự do hiện đại tin rằng sự can thiệp của nhà nước có thể thúc đẩy và củng cố sự tự do cá nhân. Với định nghĩa tự do như là tự do tích cực, các nhà tự do hiện đại ủng hộ sự điều tiết của nhà nước để bảo vệ sức khỏe, giáo dục và điều kiện làm việc và thúc đẩy sự thịnh vượng của những bộ phận ít quyền lực hơn trong xã hội, cũng như nhằm ngăn chặn sự bóc lột. Gia tăng sự can thiệp của nhà nước vào xã hội có thể dẫn đến gia tăng mức độ tự do tích cực. Thứ hai, các nhà tự do hiện đại không sẵn lòng như các nhà tự do cổ điển khi chấp nhận sự bất bình đẳng kinh tế. Theo các nhà tự do hiện đại, một số người nghèo có những khó khăn trong việc hiện thực hóa tiềm năng của họ; do đó, nghèo đói là một cản trở đối với tự do tích cực và phải được sửa chữa bằng những bộ luật được ban hành bởi nhà nước với sự can thiệp mạnh mẽ vào xã hội. Nói cách khác, các nhà tự do hiện đại tin vào cả sự bình đẳng tự nhiên lẫn bình đẳng kinh tế. Thứ ba, chủ nghĩa tự do hiện đại thúc đẩy sự thịnh vượng của xã hội. Thực vậy, chúng ta có thể thấy sự song song giữa ý thức hệ của Green và logic của các chính sách phúc lợi được thiết kế để giúp đỡ những người khó khăn đạt được tiềm năng của họ.
    Jane Addams (1860–1935) ủng hộ mạnh mẽ lý lẽ của chủ nghĩa tự do hiện đại ở Mỹ. Addams là người thành lập Hull House ở Chicago. Hull House là một trung tâm cộng đồng hỗ trợ cho những người nhập cư, công nhân, phụ nữ trẻ, và những người khác khi cần các dịch vụ xã hội. Ngoài ra Addams còn vận động cho việc ban hành luật pháp hỗ trợ cho các trương trình phúc lợi xã hội, quyền của phụ nữ, bảo vệ người tiêu dùng, và bình đẳng kinh tế. Đặc biệt, bà kêu gọi chế độ làm việc 8 giờ một ngày, ngăn cấm lao động trẻ em, và quyền bãi công của công nhân. Addams xem những cải cách này tiêu biểu cho quan điểm của chủ nghĩa tự do hiện đại: Nếu nhà nước can thiệp để giúp đỡ những người khó khăn, điều này sẽ lấy đi sự tự do của kẻ mạnh khỏi bóc lột kẻ yếu và do đó sẽ thay thế sự bóc lột bằng một sự tự do tích cực. Do vậy, khi Hull House và  nhà nước can thiệp để giúp đỡ những người khó khăn, sự can thiệp này thúc đẩy sự thịnh vượng và sự tự do của những người không có quyền lực. Chủ nghĩa tự do hiện đại thường được phản ánh trong nhiều chính sách New Deal trong kỉ nguyên Roosevelt. Franklin Roosevelt (1882–1945) là tổng thống từ năm 1933 đến 1945. Trong những năm của cuộc Đại suy thoái, chính quyền của ông thiết lập các chương trình và chính sách liên bang nhằm giúp đỡ những người thất nghiệp, tạo công ăn việc làm, bảo vệ người lao động, kiểm soát ngành công nghiệp ngân hàng, cũng như hệ thống trợ cấp thất nghiệp….Thông qua New Deal, nhà nước can thiệp vào xã hội để bảo vệ cá nhân khỏi mất đi sự tự do tích cực.  Xem xét về sự lo lắng của những nhà tự do cổ điển trong giai đoạn này đối với các ý tưởng của Green, Addams, và Roosevelt. Dường như đối với các nhà tự do cổ điển thì các nhà tự do hiện đại đang ủng hộ chính cái hệ quả mà các nhà tự do cổ điển đã chiến đấu hết mình chống lại: chính phủ lớn. Sự bảo vệ của Addam đối với sự can thiệp của nhà nước dường như chuyên chế đối với nhiều nhà tự do hiện đại, cũng như sự bảo vệ của Filmer đối với chế độ quân chủ chuyên chế dường như chuyên chế đới với Locke trong những năm 1660. Không ngạc nhiên là, các nhà tự do cổ điển tách rời chính họ với chủ nghĩa tự do mới này. Nhiều nhà tự do cổ điển bắt đầu kêu gọi chính họ như những người bảo thủ bởi vì họ không muốn đồng nhất mình với những gì đang diễn ra đối với chủ nghĩa tự do. Xu hướng này vẫn tiếp tục. Do đó, ở Mỹ nhiều quan điểm của Đảng Cộng hòa tương đồng với chủ nghĩa tự do cổ điển khi phê phán điều mà những người cộng hòa thấy như là “chính phủ lớn”, dù Đảng cộng hòa gọi chính họ là bảo thủ.
    (Nguồn: Analyzing Politics: An Introduction to Political Science)

     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org