Giới trí thức và chủ nghĩa xã hội (P2/2)

Posted on
  • Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: , ,
  • Friedrich A. Hayek
    Đinh Tuấn Minh dịch 
    V
    Tuy nhiên, đây không phải là toàn bộ câu chuyện. Các lực tác động tới sự tuyển mộ vào hàng ngũ của giới trí thức cũng hoạt động theo cùng chiều hướng đó và điều này giúp chúng ta giải thích vì sao lại có quá nhiều người tài giỏi nhất trong số họ lại nghiêng theo hướng chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên, tương tự như giữa các nhóm người khác, giữa các trí thức cũng tồn tại nhiều khác biệt ý kiến; nhưng có vẻ đúng rằng, xét một cách tổng thể, những người tích cực, có trí tuệ, và độc đáo hơn trong giới trí thức là những người ngả theo chủ nghĩa xã hội thường xuyên nhất, trong khi những trí thức chống chủ nghĩa xã hội lại thường có năng lực thấp kém hơn. 
    Điều này đặc biệt đúng trong các giai đoạn khi các ý tưởng xã hội chủ nghĩa bắt đầu thâm nhập; sau này, dù rằng bên ngoài giới trí thức vẫn có người có dũng khí bày tỏ những xác tín xã hội chủ nghĩa thì trong lòng giới trí thức áp lực dư luận ủng hộ chủ nghĩa xã hội lại thường mạnh đến mức khiến một người cần phải có đầu óc mạnh mẽ và độc lập hơn nhiều để chống lại áp lực đó thay vì gia nhập vào cái mà các bạn hữu của anh ta cho là các quan điểm hiện đại. Chẳng hạn, chẳng ai vốn quen thuộc với số đông các giáo chức trong các khoa của các trường đại học (và với quan điểm này đa số các giáo viên đại học có lẽ phải được phân loại là các trí thức hơn là các chuyên gia), lại có thể quên được sự thực rằng ngày nay các giáo viên tài giỏi nhất và thành công nhất có nhiều khả năng là những người xã hội chủ nghĩa hơn, trong khi những người giữ quan điểm chính trị bảo thủ hơn thường là những người xoàng xĩnh. Điều này tự bản thân nó là một nhân tố quan trọng đẩy thế hệ trẻ hơn vào phe xã hội chủ nghĩa. 
    Tất nhiên, người theo chủ nghĩa xã hội xem điều này đơn thuần như là một minh chứng rằng ngày nay người có trí tuệ hơn có xu hướng trở thành một người xã hội chủ nghĩa. Nhưng đây còn xa mới là lời giải thích thoả đáng hay thậm chí có vẻ nghe được. Lí do chính của tình cảnh này có lẽ là, đối với trường hợp của người có tài năng phi thường mà chấp nhận trật tự xã hội hiện thời thì có vô số xa lộ rộng lớn khác về uy thế và quyền lực mở ra cho anh ta, trong khi đối với người thua thiệt và bất mãn [với trật tự xã hội hiện thời] thì một nghề trí thức chính là con đường hứa hẹn mang đến cho anh ta uy thế và quyền lực, góp phần nhiều nhất vào việc đạt được các lí tưởng của mình. Thậm chí còn hơn thế: người có thiên hướng bảo thủ hơn thuộc nhóm tài năng hàng đầu nói chung sẽ chọn công việc trí óc (và hi sinh phần thưởng vật chất – một đòi hỏi thường gắn với sự lựa chọn này) chỉ nếu anh ta hứng thú với nó vì chính nó. Hệ quả là, khả năng để anh ta trở thành một học giả chuyên sâu cao hơn nhiều so với một trí thức theo cái nghĩa cụ thể của từ này; trong khi đối với người có đầu óc cấp tiến hơn thì nghề trí thức thường không phải là một phương tiện mà là một mục đích, một con đường dẫn đến chính xác cái loại ảnh hưởng rộng khắp mà nhà trí thức chuyên nghiệp thực hiện. Vì thế, có lẽ đây mới chính là một sự thực, thay vì rằng những người có trí tuệ hơn thì nói chung là những người theo chủ nghĩa xã hội, thì là rằng những người theo chủ nghĩa xã hội chiếm một tỉ lệ cao hơn hẳn trong số những bộ óc tài giỏi nhất gắn đời mình vào những cái nghề trí thức này, những nghề làm cho họ có ảnh hưởng quyết định đến công luận trong xã hội hiện đại [2] . 
    Sự tuyển lựa nhân sự của giới trí thức cũng có quan hệ mật thiết với mối quan tâm chính yếu của họ về các ý tưởng tổng quát và trừu tượng. Những tư biện về khả năng tạo dựng lại toàn bộ xã hội là món ăn hấp dẫn người trí thức hơn nhiều so với những cân nhắc thực tiễn và ngắn hạn của những người muốn hướng tới việc cải thiện từng phần trật tự [xã hội] hiện tồn. Cụ thể, tư tưởng xã hội chủ nghĩa có được sự quyến rũ đối với thanh niên chủ yếu là vì đặc tính huyền ảo của nó; về khía cạnh này, chính cái dũng khí dấn thân vào tư duy Utopia (không tưởng) mới là một nguồn sức mạnh đối với những người xã hội chủ nghĩa, điều mà chủ nghĩa tự do truyền thống đáng buồn là lại thiếu. Sự khác biệt này có lợi cho chủ nghĩa xã hội, không chỉ bởi vì sự tư biện về các nguyên lí chung tạo ra một cơ hội thi thố cho trí tưởng tượng của những người không bị vướng bận bởi lượng kiến thức khổng lồ về các thực tế của cuộc sống hiện tại, mà cũng bởi vì nó thỏa mãn một khát khao chính đáng muốn có hiểu biết về cơ sở lí luận đằng sau bất kỳ một trật tự xã hội nào và tạo ra khung vực để thực hiện cái đòi hỏi cấp bách mang tính xây dựng đó – điều mà chủ nghĩa tự do, sau khi đã có những chiến thắng to lớn, chỉ để lại một vài gợi mở. Người trí thức, do toàn bộ thiên hướng của mình, không quan tâm đến những chi tiết kĩ thuật hay những khó khăn thực tiễn. Cái hấp dẫn anh ta là những viễn cảnh rộng mở, cái nhận thức bao quát về trật tự xã hội tổng thể mà một hệ thống được hoạch định hứa hẹn. 
    Sự thực này, rằng những tư biện của những người xã hội chủ nghĩa thỏa mãn tốt hơn các sở thích của người trí thức, đã tỏ ra là tai họa đối với ảnh hưởng của truyền thống tự do. Một khi những đòi hỏi cơ bản của các cương lĩnh tự do dường như được thỏa mãn thì các nhà tư tưởng tự do cổ điển lại quay sang các vấn đề chi tiết và thường sao nhãng việc phát triển triết lí tổng quát của chủ nghĩa tự do. Hậu quả là, triết lí chung đó thôi không còn là một vấn đề sống động, tạo ra khung giới cho tư biện khái quát. Vì vậy, trong khoảng nửa thế kỉ, chỉ có những người xã hội chủ nghĩa là những người đưa ra được một thứ gì đó giống như một cương lĩnh tường minh về phát triển xã hội, một bức tranh về xã hội tương lai mà họ hướng tới, và một tập các nguyên lí chung để chỉ dẫn các quyết định cho các vấn đề cụ thể. Cho dù, nếu tôi đúng, các lí tưởng của họ chứa đựng những mâu thuẫn nội tại (inherent contracdictions), và bất kỳ cố gắng nào nhằm đưa chúng vào thực tiễn hẳn phải tạo ra cái gì đó dứt khoát khác xa cái mà họ kì vọng thì điều này không làm thay đổi thực tế rằng cương lĩnh cải cách của họ là cương lĩnh duy nhất thực sự đã ảnh hưởng đến sự phát triển của các thể chế xã hội trong thời gian gần đây. Chính bởi vì cương lĩnh của họ đã trở thành cái triết lí chung duy nhất về chính sách xã hội do một nhóm lớn nắm giữ, cái hệ thống hay học thuyết duy nhất nêu ra các vấn đề mới và mở ra những chân trời mới, nên chúng đã thành công trong việc kích thích trí tưởng tượng của giới trí thức. 
    Sự phát triển thực tế của xã hội trong giai đoạn này đã được quyết định, không phải bởi một cuộc đấu tranh giữa các lí tưởng đối lập nhau, mà bởi sự tương phản giữa tình trạng hiện tồn và một tình trạng lí tưởng về một xã hội khả dĩ trong tương lai được trình ra trước công chúng chỉ bởi riêng những người xã hội chủ nghĩa. Đã chỉ có rất ít cương lĩnh khác cung cấp các lựa chọn đích thực khả dĩ khác. Đa số chúng đơn thuần chỉ là những thỏa hiệp hay các quán trọ nửa đường giữa các loại cực đoan hơn của chủ nghĩa xã hội và trật tự hiện tồn. Duy nhất điều cần làm để khiến cho hầu như bất cứ đề xuất xã hội chủ nghĩa nào tỏ ra có lí đối với những loại đầu óc ‘sáng suốt’ vốn bị thuyết phục một cách bản năng rằng chân lí luôn phải nằm đâu đó giữa các thái cực là để cho ai đó đưa ra một đề xuất còn cực đoan hơn. Cứ như thể chỉ tồn tại duy nhất một hướng đi cho chúng ta di chuyển, và câu hỏi còn lại dường như chỉ là điều khiển tốc độ và khoảng cách di chuyển như thế nào. 
    VI
    Ý nghĩa của sự quyến rũ đặc biệt mà chủ nghĩa xã hội có được từ đặc tính tư biện của nó đối với giới trí thức sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta đối sánh thêm lập trường của nhà lí luận xã hội chủ nghĩa với lập trường của nhà lí luận tự do theo nghĩa cũ của từ [tức chủ nghĩa tự do cổ điển - ND]. Sự so sánh này cũng sẽ giúp chúng ta rút ra được bất cứ bài học nào từ một sự đánh giá thỏa đáng về các xung lực trí tuệ đang làm xói mòn những nền tảng của một xã hội tự do. 
    Khá nghịch lí là, một trong những bất lợi chủ yếu khiến nhà tư tưởng tự do bị mất ảnh hưởng đại chúng lại có quan hệ mật thiết với sự thực rằng trước khi chủ nghĩa xã hội thực sự xuất hiện anh ta hẳn đã có nhiều cơ hội hơn để ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định về chính sách hiện thời và do vậy, sự thực là anh ta không chỉ đã không bị cuốn hút vào công việc tư biện [về các vấn đề] dài hạn, là cái tạo ra sức mạnh cho những người xã hội chủ nghĩa, mà còn là anh ta, trên thực tế, đã chán nản với công việc đó bởi vì có vẻ như là bất cứ nỗ lực nào thuộc loại này sẽ làm bớt đi điều tốt đẹp trước mắt mà anh ta có thể làm được. Mọi quyền lực mà anh ta phải vận dụng để ảnh hưởng đến các quyết định thực tiễn anh ta đều có được từ thế đứng của anh ta so với các đại diện của trật tự hiện hành, và thế đứng này sẽ bị nguy hại nếu anh ta dấn thân vào công việc tư biện, thứ quyến rũ giới trí thức và qua giới này có thể ảnh hưởng đến những sự phát triển trong các giai đoạn dài hơn. Để có ảnh hưởng tới những người quyền thế, anh ta phải “thực dụng”, “biết điều”, và “thực tế”. Chừng nào anh ta còn gắn mình với các vấn đề trực tiếp, anh ta còn được tưởng thưởng bằng sự ảnh hưởng, thành công vật chất, và sự nổi tiếng do những người, ở một chừng mực nào đó, còn chia sẻ quan điểm chung với anh ta. Nhưng những người này ít có được sự kính trọng đối với những loại công việc tư biện về các nguyên lí chung vốn định hình bầu không khí trí tuệ. Quả thực là, nếu anh ta theo đuổi một cách nghiêm túc công việc tư biện [về các vấn đề] dài hạn như vậy anh ta dễ bị mang tiếng là người ‘không lành mạnh’ hay thậm chí là nửa xã hội chủ nghĩa, bởi vì lẽ anh ta không có ý đồng nhất trật tự hiện hành với hệ thống tự do mà anh ta muốn hướng tới [3] . 
    Nếu, bất chấp điều này, anh ta vẫn nỗ lực tiếp tục theo đuổi hướng tư biện chung thì anh ta sẽ mau chóng phát hiện ra rằng anh ta không còn được an toàn khi kết giao quá mật thiết với những người có vẻ chia sẻ hầu hết các xác tín của mình và anh ta mau chóng bị cô lập. Quả thực hiện nay có lẽ còn rất ít các công việc bạc bẽo hơn so với nhiệm vụ cốt yếu về việc phát triển nền tảng triết lí mà một xã hội tự do nếu còn muốn tiếp tục phát triển nhất thiết phải dựa vào. Do người gánh vác trọng trách này phải chấp nhận phần lớn khuôn khổ của trật tự hiện tồn nên anh ta sẽ xuất hiện trong con mắt của đa số những trí thức có đầu óc tư biện hơn chỉ đơn thuần như là một người biện hộ nhút nhát về những cái như chúng vốn thế; đồng thời anh ta sẽ bị những người làm công việc thực tiễn sa thải như một nhà lí luận không thực tế. Anh ta không đủ cấp tiến đối với những người biết chỉ cái thế giới nơi “with ease together dwell the thoughts” (dễ dàng cùng nhau chia sẻ các ý tưởng) và quá cấp tiến đối với những người chỉ thấy sao mà lại “hard in space together clash the things” (khó chứa chấp được những thứ gây ra va chạm). Nếu anh ta lợi dụng sự ủng hộ mà anh ta có thể có được từ những người làm công việc thực tiễn, anh ta hầu như chắc chắn sẽ [cảm thấy mình] tự đánh mất uy tín đối với những người mà anh ta phụ thuộc vào để truyền bá các ý tưởng của mình. Đồng thời anh ta cũng sẽ cần phải vô cùng cẩn trọng để tránh xa bất cứ thứ gì giống như sự ngông cuồng hay cường điệu. Trong khi chưa có nhà lí luận xã hội chủ nghĩa nào được biết đến lại cảm thấy mình tự đánh mất uy tín với các bạn hữu ngay cả bằng những đề xuất ngu ngốc nhất thì người theo chủ nghĩa tự do kiểu truyền thống sẽ tự nguyền rủa mình mỗi khi đưa ra một gợi ý không thể thực hiện được. Thế mà đối với giới trí thức anh ta vẫn được xem là chưa đủ tư biện hay đủ phiêu lưu, và những đề xuất thay đổi cũng như cải thiện đối với cấu trúc xã hội mà anh ta cần phải đưa ra sẽ có nội dung có vẻ như là bị hạn chế khi so với cái mà trí tưởng tượng ít bị cản trở hơn của giới trí thức nhào nặn ra. 
    Chí ít ở một xã hội trong đó những điều kiện chính yếu cần thiết cho quyền tự do đã có rồi và những điều mà những cải thiện tiếp theo cần phải quan tâm là những điểm so sánh chi tiết thì cương lĩnh tự do có thể chẳng còn chút sức mê hoặc nào của một phát minh mới. Việc thấu hiểu được những cải thiện mà cương lĩnh này mang lại đòi hỏi lượng tri thức về sự vận hành của xã hội hiện tồn nhiều hơn mức mà người trí thức trung bình có được. Việc thảo luận những cải thiện này cần phải được tiến hành ở một mức độ thực tiễn hơn so với mức độ cần cho sự thảo luận về các cương lĩnh cách mạng hơn, vì thế khiến nó có một cục diện kém quyến rũ hơn đối với giới trí thức và có khuynh hướng đưa vào các yếu tố khiến cho người tham gia thảo luận cảm thấy bị công kích trực tiếp. Những người mà thực sự am tường sự vận hành của xã hội hiện thời lại thường là người quan tâm đến việc duy trì các đặc tính khu biệt của xã hội đó, những cái có lẽ không thể bảo vệ được bằng các nguyên lí chung. Không giống như người đi tìm một trật tự tương lai hoàn toàn mới mẻ và người thường giao phó mình cho nhà lí luận dẫn dắt, những người mà tin vào trật tự hiện tồn lại thường xuyên nghĩ rằng họ hiểu nó tốt hơn bất cứ nhà lí luận nào và kết quả là họ có khuynh hướng bác bỏ bất cứ cái gì khác lạ và có tính lí thuyết. 
    Sự khó khăn trong việc kiếm tìm sự ủng hộ chân thật và vô tư cho một chính sách có hệ thống vì quyền tự do không phải là mới. Sự tiếp nhận một cuốn sách mới đây của tôi thường gợi cho tôi nhớ lại về một đoạn mà Lord Acton đã mô tả từ rất lâu về việc vì sao “trong mọi thời đại những người bạn chân thành của tự do lại luôn ít ỏi, và những thắng lợi của nó lại luôn là do các thiểu số, những người đã thắng thế nhờ kết hợp mình với các trợ thủ mà có mục tiêu khác với của riêng mình; và sự liên kết vốn luôn luôn nguy hiểm này đôi khi đã gây ra tai hại do nó đem đến các nguyên cớ chính đáng cho những người đối lập tấn công lại...” [4] . Mới đây, một trong những nhà kinh tế học Mĩ tài ba nhất đang còn sống đã than phiền bằng giọng điệu tương tự rằng nhiệm vụ chính của những người tin vào các nguyên lí cơ bản của hệ thống tư bản chủ nghĩa là thường xuyên phải chống lại các nhà tư bản để bảo vệ hệ thống này – thực ra các nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do vĩ đại, từ Adam Smith đến nay, đã luôn luôn biết điều này. 
    Cản trở nghiêm trọng nhất, phân tách những người làm công việc thực tiễn vốn thực tâm với sự nghiệp tự do khỏi các thế lực vốn quyết định tiến trình phát triển trong lĩnh vực tư tưởng, là sự ngờ vực sâu sắc của họ đối với công việc tư biện lí thuyết và khuynh hướng ngả sang tính chính thống của họ; điều này, hơn bất cứ thứ gì khác, tạo ra một rào cản hầu như không thể vượt qua nổi giữa họ và những người trí thức mà muốn hiến dâng cho cùng sự nghiệp, những người mà sự giúp đỡ của họ là không thể thiếu được nếu muốn sự nghiệp thành công. Mặc dù khuynh hướng này có lẽ là tự nhiên đối với những người bảo vệ một hệ thống bởi vì hệ thống đó đã biện minh được chính nó trong thực tiễn, và đối với những người ấy sự biện minh (justification) trí tuệ dường như là không quan trọng, thì đó lại là tai họa cho sự sống còn của hệ thống bởi vì khuynh hướng này bỏ đi sự ủng hộ mà hệ thống cần nhất. Tính chính thống thuộc bất cứ loại nào, tức bất kỳ sự nguỵ tạo nào theo đó một hệ thống tư tưởng là chân lý cuối cùng và cần phải được chấp nhận một cách không nghi vấn như là một tổng thể, là một loại quan niệm chắc chắn đối địch với tất cả giới trí thức, bất kể quan điểm của họ về các vấn đề cụ thể là thế nào. Bất cứ hệ thống nào mà đánh giá con người căn cứ vào sự tuân thủ trọn vẹn của họ đối với một tập hợp các quan điểm cố định, theo ‘sự tuyệt hảo’ của họ hay mức độ mà họ có thể tin cậy được để giữ gìn các quan điểm đã được chấp nhận trên tất cả các khía cạnh sẽ tự đánh mất đi sự ủng hộ mà nếu thiếu nó thì chẳng tập hợp tư tưởng nào có thể duy trì được ảnh hưởng của mình trong xã hội hiện đại. Khả năng để phê phán các quan điểm đã được chấp nhận, để khai phá các triển vọng mới và để trải nghiệm những quan niệm mới, tạo ra bầu không khí mà thiếu nó thì người trí thức không thể hít thở. Một sự nghiệp không tạo ra môi trường để nuôi dưỡng các nhu cầu này sẽ không thể nhận được sự ủng hộ nào từ anh ta và vì thế bị tất bị thất bại trong bất cứ xã hội nào mà, chẳng hạn như xã hội chúng ta, tựa trên các dịch vụ của anh ta. 
    VII
    Có lẽ là một xã hội tự do như chúng ta vốn đã biết mang trong mình các lực tự hủy hoại chính nó, rằng một khi đã giành được quyền tự do nó được coi như là dĩ nhiên và thôi không còn được coi trọng, và rằng sự phát triển tự do của các tư tưởng, điều cốt yếu của một xã hội tự do, sẽ có xu hướng hủy hoại các nền tảng mà nó phụ thuộc vào. Không có mấy nghi ngờ rằng ở các nước tương tự như Hoa Kì lí tưởng về quyền tự do ngày nay thực sự kém hấp dẫn giới trẻ so với ở các nước nơi họ đã biết được ý nghĩa của nó khi mất nó. Mặt khác, có dấu hiệu rõ ràng là ở Đức cũng như nơi khác, nơi thanh niên chưa bao giờ biết đến một xã hội tự do, nhiệm vụ xây dựng một xã hội tự do có thể trở nên lí thú và quyến rũ như bất cứ cương lĩnh xã hội chủ nghĩa nào đã xuất hiện trong một trăm năm vừa qua. Có một sự thực khác thường, dù là sự thực mà nhiều du khách đã trải nghiệm, rằng khi ai đó nói chuyện với các sinh viên Đức về các nguyên lí của một xã hội tự do,anh ta bắt gặp một cử tọa nhanh nhạy hơn và thậm chí nhiệt tình hơn so với anh ta có thể hi vọng tìm thấy ở bất cứ nền dân chủ phương Tây nào. Tại Anh quốc cũng đã xuất hiện trong thanh niên một mối quan tâm mới về các nguyên lí của một chủ nghĩa tự do thật sự, điều chắc chắn đã không tồn tại vài năm trước. 
    Phải chăng điều này có nghĩa là quyền tự do chỉ được coi trọng khi nó bị đánh mất, rằng thế giới ở mọi nơi phải kinh qua một pha tăm tối của chủ nghĩa toàn trị xã hội chủ nghĩa trước khi các lực lượng tự do có thể lại lấy lại được sức mạnh? Có thể là thế, nhưng tôi hi vọng không nhất thiết phải vậy. Thế nhưng, chừng nào trong các giai đoạn dài hơn những người quyết định công luận vẫn tiếp tục bị lôi cuốn bởi các lí tưởng của chủ nghĩa xã hội thì chiều hướng đó sẽ còn tiếp tục. Nếu chúng ta muốn tránh một sự tiến triển như vậy, chúng ta phải có khả năng đưa ra một cương lĩnh tự do mới có sức quyến rũ trí tưởng tượng. Chúng ta phải khiến cho việc xây dựng một xã hội tự do một lần nữa là một công cuộc phiên lưu trí tuệ, một sự dấn thân quả cảm. Cái chúng ta thiếu là một Utopia tự do, một cương lĩnh dường như chẳng phải là một sự bảo vệ đơn thuần các thứ như chúng vốn thế, cũng chẳng phải là một loại dung dịch pha loãng của chủ nghĩa xã hội, mà là một chủ nghĩa cấp tiến tự do thật sự, loại chủ nghĩa không có chỗ cho tính dễ tự ái của kẻ hùng mạnh (kể cả các công đoàn), không quá thực tiễn một cách khắt khe, và không giới hạn mình ở cái ngày nay tỏ ra là khả dĩ về mặt chính trị. Chúng ta cần các lãnh tụ trí thức, những người miễn dịch được với mật ngọt của quyền lực và ảnh hưởng, và sẵn sàng làm việc cho một lí tưởng, dẫu triển vọng hiện thực hoá trong giai đoạn trước mắt của nó có nhỏ nhoi đến nhường nào. Họ phải là những người sẵn sàng gắn mình vào các nguyên lý và tranh đấu vì sự hiện thực hoá chúng một cách đầy đủ, dẫu còn xa đến đâu. Họ phải để những nhượng bộ thực tiễn cho các chính trị gia. Thương mại tự do và quyền tự do về cơ hội có lẽ vẫn là các lí tưởng gây phấn khích cho trí tưởng tượng của đông người, nhưng một sự “tự do thương mại hợp lý” đơn thuần hay một “sự nới lỏng kiểm soát” đơn thuần là những thứ chẳng đáng trọng về mặt trí tuệ cũng chẳng gây được cảm hứng cho bất cứ sự nhiệt tình nào. 
    Bài học chủ yếu mà người theo chủ nghĩa tự do chân chính phải học từ sự thành công của những người xã hội chủ nghĩa là, chính sự dũng cảm của họ để trở thành người Utopia đã khiến họ có được sự ủng hộ của giới trí thức và vì thế có được một ảnh hưởng lên công luận, cái hàng ngày làm cho cái chỉ mới đây còn có vẻ hoàn toàn xa vời trở nên có thể. Những người chỉ biết vùi mình vào cái vẻ thực tiễn của tình trạng dư luận hiện hành thường xuyên thấy rằng ngay cả điều này cũng mau chóng trở thành không thể trên khía cạnh chính trị do những sự thay đổi trong công luận, cái mà họ đã chẳng làm gì để định hướng. Viễn cảnh của tự do quả thực vẫn còn đen tối trừ phi chúng ta có thể làm cho những nền tảng triết lí của một xã hội tự do một lần nữa lại trở thành một chủ đề trí tuệ sống động, và việc thực hiện nó trở thành một nhiệm vụ thách thức tài khéo léo cũng như trí tưởng tượng của những cái đầu hoạt bát nhất của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta có thể lấy lại niềm tin vào sức mạnh của các tư tưởng, cái đã là biểu tượng của chủ nghĩa tự do ở đỉnh điểm của nó, cuộc chiến vẫn chưa bị thua. Sự nghiệp phục hưng trí tuệ của chủ nghĩa tự do đã lên đường ở nhiều nơi trên thế giới rồi. Liệu có kịp thời không?
    (Hết)
    Chú thích
    [1]Chính vì thế (như đã được gợi ý bởi một nhà phê bình cuốn Con đường tới nô lệ, giáo sư J. Schumpeter), không phải là “sự tôn trọng đối với một sai lầm” mà là sự xác tín sâu sắc về tầm quan trọng của điều này đã dẫn tôi, theo lời giáo sư Schumpeter, “hầu như không bao giờ gán cho các đối thủ bất cứ gì ngoài lỗi lầm trí tuệ”.
    [2]Liên quan đến việc này là một hiện tượng quen thuộc khác: có ít lí do để tin rằng cộng đồng những người không phải Do Thái lại có tỷ lệ ít ỏi hơn những người có tài năng trí tuệ thực sự hàng đầu để tạo ra công trình khai nguồn so với cộng đồng người Do Thái. Tuy thế, hầu như không mấy ai nghi ngờ việc những người thuộc dòng dõi Do Thái ở hầu như tất cả mọi nơi chiếm một tỷ phần lớn không cân xứng trong giới trí thức theo định nghĩa của chúng ta, tức là những người phiên dịch tư tưởng chuyên nghiệp. Đây có lẽ là thiên phú đặc biệt của họ và tất nhiên nghề này là cơ hội chủ yếu của họ ở những nước có định kiến cản trở họ trên con đường chiếm lĩnh các lĩnh vực khác. Lý do họ chiếm một tỉ lệ lớn đến vậy trong giới trí thức có lẽ là một lý do hợp lý hơn cả để giải thích việc họ có vẻ tiếp nhận các tư tưởng xã hội chủ nghĩa dễ dàng hơn nhiều so với những người thuộc dòng dõi khác.
    [3]Thí dụ nhãn tiền nhất mới đây về kiểu qui kết như vậy là việc một số bình luận về tác phẩm Chính sách kinh tế cho một xã hội tự do (Economic Policy for a Free Society)(1948) của Henry Simons đã quá cố cho rằng công trình vốn có hơi hướng tự do phi chính thống này là “xã hội chủ nghĩa”. Một ai đó không nhất thiết phải đồng ý với tất cả nội dung của công trình này, và thậm chí một ai đó có thể coi một số gợi ý trong đó là không tương thích với một xã hội tự do, nhưng vẫn cần phải thừa nhận rằng nó là một trong những đóng góp quan trọng nhất được đưa ra gần đây cho vấn đề của chúng ta và đúng là loại công trình mà đòi hỏi chúng ta cần phải bắt đầu thảo luận từ những vấn đề nền tảng. Ngay cả những người kịch liệt không chấp nhận một số gợi ý của nó cũng nên hoan nghênh tiếp nhận nó như là một đóng góp nêu ra được các vấn đề trung tâm của thời đại chúng ta một cách rõ ràng và dũng cảm.
    [4]Acton, The History of Freedom, I (1922)
    (Nguồn http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8456&rb=0301)
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org